Ồn ào những vở diễn thực cảnh triệu đô: Bày “tiệc” văn hóa cần… văn hóa!
Văn hóa - Ngày đăng : 08:02, 03/05/2018
Ồn ào tranh cãi
Vở diễn “Thuở ấy xứ Đoài” ra mắt vào năm 2017. |
Vở diễn thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” (tên gốc là Ngày xưa) ngay khi được ra mắt tại Khu sinh thái Tuần Châu Ecopark (Sài Sơn, Quốc Oai), nằm ngay lối vào chùa Thầy, đã khiến nhiều người ngỡ ngàng trước sự lộng lẫy, hoành tráng trên một sân khấu nước 3.000m2. Vở diễn thực cảnh đầu tiên được đầu tư tới 500 tỉ đồng, được xây dựng như một “nhà hát” ngoài trời trên diện tích 1,75 ha, với đầy đủ các hạng mục như: Khán đài 2.000 chỗ ngồi, phần “cánh gà” là những rặng tre, trúc được trồng bao quanh, sân khấu nước có thể chuyển động... Ngay lần ra mắt, “Thuở ấy xứ Đoài” đã khiến báo giới nức nở khen ngợi. Điều đó cũng xứng đáng khi tại Việt Nam, đây là vở diễn thực cảnh đầu tiên, hội tụ nhiều yếu tố nghệ thuật và giải trí. Hơn hết, với tiềm năng du lịch và bề dày văn hóa của Hà Nội, việc ra mắt một sân khấu thực cảnh với vở diễn đồ sộ, hoành tráng về kỹ xảo, dày dặn về bề sâu văn hóa là điều rất đáng mừng.
Tuy nhiên, “Thuở ấy xứ Đoài” do đạo diễn Việt Tú thực hiện chưa kịp đưa vào khai thác thì chủ đầu tư của dự án này là Công ty cổ phần Tuần Châu đột ngột “đổi ngựa giữa đường”, thuê Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Sen Vàng dàn dựng một vở diễn phái sinh dưới tên “Tinh hoa Bắc Bộ”. Vở diễn này lặp lại ý tưởng và cách thể hiện, đồng thời kế thừa, sử dụng lại toàn bộ hạ tầng kiến trúc và mỹ thuật đã được thiết kế, xây dựng và sử dụng cho vở “Thuở ấy xứ Đoài” (điều này đã được đại diện Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội thừa nhận). Kể từ đó, những tranh cãi về bản quyền tác phẩm, trách nhiệm của các bên liên quan kéo dài dai dẳng. Cả hai bên là Công ty cổ phần Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú cùng đâm đơn kiện đòi bồi thường. Đến nay, cả hai vụ kiện đều đã được tòa án thụ lý nhưng chưa phân xử người sai, kẻ đúng trong câu chuyện về bản quyền tác phẩm, cũng như những uẩn khúc trong hợp đồng giao kèo giữa hai bên.
Cảnh vở diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” - được xem là vở diễn phái sinh từ “Thuở ấy xứ Đoài”. |
Mới đây nhất, cuối tháng 3 vừa qua, dư luận lại ồn ào tranh cãi về vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” tại Công viên Chủ đề Ấn tượng Hội An, nằm trên một cồn nổi giữa sông Hoài (Hội An) do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch và kinh doanh hội nghị Gami Hội An là chủ đầu tư. Mặc dù được đầu tư lớn, sân khấu hoành tráng, trong đó có khán đài ngoài trời với tổng diện tích xây dựng gần 8.000m2, vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” gây phản ứng mạnh mẽ trong giới làm nghề và giới truyền thông ngay từ buổi ra mắt bởi nội dung của vở diễn khiến nhiều người thất vọng khi bối cảnh nghệ thuật của vở diễn hoàn toàn xa lạ, không sát với mục tiêu đặt ra. Nhiều điển tích, điển cố văn học nói về Hội An không được khắc hoạ rõ nét, hay như trang phục của diễn viên khiến người xem cảm thấy xa lạ. Chưa kể, vở được diễn tại Hội An nhưng lại do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép. Mặc dù việc cấp phép này không sai về nguyên tắc nhưng đặt ra nhiều câu hỏi về việc giám sát, kiểm duyệt nội dung vở diễn.
Trước dư luận lùm xùm, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ VH,TT&DL yêu cầu công ty tổ chức phải chỉnh sửa lại vở diễn. Tháng 4-2018, chủ đầu tư dự án cam đoan thực hiện theo đúng cam kết, tiến hành chỉnh sửa từng phần của vở diễn sau khi lấy thêm ý kiến từ các nhà văn hóa.
Thế mới thấy, làm văn hóa không dễ bởi không phải doanh nghiệp cứ đổ nhiều tiền đầu tư thì có ngay một sản phẩm nghệ thuật được đông đảo công chúng đón nhận.
Cần có ứng xử văn hóa!
Trả lời Báo Hànộimới Điện tử, đạo diễn Việt Tú cho rằng, ở Việt Nam, các vở diễn thực cảnh còn mới mẻ với cả người thực hiện lẫn khán giả, trong khi ở nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…, các vở diễn thực cảnh là sản phẩm văn hóa, giải trí phổ biến để thu hút du lịch. Nhiều quốc gia dàn dựng các vở diễn được đầu tư công nghệ cao với sân khấu hoành tráng, thuê những đạo diễn lớn như Trương Nghệ Mưu, Phùng Tiểu Cương… dàn dựng. Theo đạo diễn Việt Tú, việc thực hiện các vở diễn thực cảnh là xu hướng tất yếu để hấp dẫn du khách, đặc biệt khi Việt Nam có bề dày truyền thống văn hóa cũng như nhiều tiềm năng du lịch.
Nhiều chi tiết của vở thực cảnh “Ký ức Hội An” gây tranh cãi. |
Tháng 4-2018, sau khi Công ty Gami – chủ đầu tư dự án “Ký ức Hội An” cam kết sẽ chỉnh sửa nội dung chương trình để phù hợp với văn hóa bản địa, phóng viên Báo Hànộimới Điện tử đã có mặt tại Hội An để tìm hiểu sự việc.
Đại diện truyền thông của chương trình cho biết, Ban tổ chức rất cầu thị lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà văn hóa để tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình. Phía công ty cam đoan, cứ khoảng 6 tháng lại có sự điều chỉnh nội dung một lần để chương trình không bị nhàm chán. Trước mắt, đơn vị tổ chức đã thay đổi được một số chi tiết như trang phục của diễn viên phù hợp hơn. Vụ việc này cũng là bài học lớn cho các nhà tổ chức khi thực hiện một chương trình văn hóa mang tính bản địa, ngoài việc tham khảo ý kiến của các nhà sử học, văn hóa, còn rất cần lắng nghe ý kiến, tham khảo tài liệu của người bản xứ.
Hiện nay, dù cả hai vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” và “Ký ức Hội An” đều có những lùm xùm, điều tiếng nhưng các nhà tổ chức vẫn đưa vở diễn vào khai thác. Giá vé của các vở diễn thực cảnh tại Việt Nam khá cao, trung bình từ 600.000 đồng – 800.000 đồng/người nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của công chúng. Điều này cho thấy những vở diễn thực cảnh là hướng đi hiệu quả khi xây dựng một nền công nghiệp văn hóa, du lịch.
Tuy nhiên, trong câu chuyện làm văn hóa, kinh doanh văn hóa, ngoài việc đổ tiền bày “đại tiệc” hoành tráng, còn cần hơn nữa những người hiểu biết pháp luật, am tường các giá trị văn hóa thuần Việt. Bởi xét cho cùng, tất cả những lùm xùm, điều tiếng từ những vở diễn thực cảnh nói trên có lẽ đều bắt nguồn từ việc thiếu rõ ràng, minh bạch trong hợp đồng làm việc và sự thiếu cẩn trọng khi xây dựng kịch bản, dàn dựng chương trình.