"Săn hình" rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh

Công nghệ - Ngày đăng : 06:17, 04/05/2018

(HNM) - Trước thông tin Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) phát hiện thêm một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây), chúng tôi đã cùng một số cán bộ trải nghiệm chuyến “săn hình” loài động vật hoang dã quý hiếm này.

Cá thể rùa Hoàn Kiếm được phát hiện tại hồ Xuân Khanh (trái) và một loài rùa khác tại hồ Đồng Mô (phải). Ảnh: ATP


Kỳ công tìm dấu tích loài rùa hiếm

Chúng tôi tới hồ Xuân Khanh vào ngày cuối xuân - đầu hạ. Với diện tích khoảng 154ha mặt nước thuộc địa bàn xã Xuân Sơn, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) và xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), hồ Xuân Khanh như điểm nhấn tuyệt đẹp của vùng này. Giữa mênh mang mặt nước, để quan sát một sinh vật cụ thể trong hồ thật không dễ dàng. Như lời ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Sơn Tây thì việc tìm được rùa Hoàn Kiếm ở đây quả là việc “rẽ nước tìm kim”, bởi đôi khi “chộp” được hình ảnh về rùa là nhờ cơ duyên và sự may mắn. Minh chứng là trong nhiều năm làm công tác quản lý, hơn 20 cán bộ của đơn vị thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi quanh hồ nhưng chưa ai may mắn chụp được ảnh hay nhìn thấy rùa nổi. Hồ rộng, mực nước sâu, rùa lại là loài hiếm khi nổi, nên sự nỗ lực quan sát, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) của Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) quả thực là công việc đáng trân trọng... “Chính vì vậy, chúng tôi cần có trách nhiệm cùng phát hiện và bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này” - ông Cường chia sẻ.

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khả, 78 tuổi, ở phường Xuân Khanh, đang câu cá ven hồ Xuân Khanh, ông cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, gắn bó với hồ, nhưng cũng chưa may mắn có cơ hội được thấy rùa nổi. Vì thế, thật đáng quý khi các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu, quan sát và đưa ra được hình ảnh chụp loài rùa quý trong khu vực hồ này”.

Ông Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình rùa Việt Nam chia sẻ: “Sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát, tháng 5-2017, ATP lần đầu tiên chụp được ảnh một cá thể rùa mai mềm cỡ lớn tại hồ Xuân Khanh. Bức ảnh đó là kết quả của hơn 3.000 giờ không nản chí, không ngại mưa, nắng của đội ngũ cán bộ ATP/IMC. Tuy nhiên, những bức ảnh thu được vào thời điểm đó không đủ để xác nhận đây là loài rùa Hoàn Kiếm. Để thu thập thêm chứng cứ, chúng tôi đã quyết định thu mẫu eDNA và phân tích tại phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington (Mỹ). Theo kết quả phân tích, các dấu vết di truyền từ mẫu nước phù hợp với các mẫu hiện có của rùa Hoàn Kiếm. Từ phát hiện này, ATP/IMC hy vọng, có thể ghép đôi các cá thể hoang dã trong môi trường có kiểm soát để phục vụ mục đích nhân giống bảo tồn”.

Cùng chung tay bảo tồn giá trị quý

Ở góc độ bảo tồn, ông Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình rùa Việt Nam cho rằng, cán bộ của ATP/IMC luôn lo lắng cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh gặp nguy hiểm do đánh bắt thủy sản và các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực. Trong trường hợp cần thiết, có thể đưa cá thể rùa này về hòn đảo trên hồ Đồng Mô. Đây là hòn đảo có diện tích gần 5.000m2, đã được ATP/IMC khảo sát và lựa chọn cho việc xây dựng cơ sở bảo tồn loài.

Trước lo ngại việc đánh bắt thủy sản gây ảnh hưởng tới môi trường sống của cá thể rùa, Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Sơn Tây Nguyễn Mạnh Cường cho hay: “Nếu trước những năm 2000, vẫn còn tình trạng người dân sinh sống ven hồ đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt như sử dụng kích điện thì từ nhiều năm nay, cùng với sự tuyên truyền, kết hợp đẩy mạnh quản lý nguồn lợi thủy sản trong khu vực lòng hồ, tình trạng khai thác bằng cách này hầu như đã chấm dứt. Việc nuôi trồng thủy sản trong khu vực lòng hồ Xuân Khanh đang do Xí nghiệp Du lịch thủy sản Suối Hai quản lý. Cá trong hồ được đơn vị này nuôi theo cách thức hoàn toàn tự nhiên và trong quá trình đánh bắt thủy sản, chỉ sử dụng lưới quây thông thường.

Ngay khi thông tin về rùa Hồ Gươm có dấu vết tại hồ Xuân Khanh được tổ chức ATP/IMC công bố, PGS.TS Hà Đình Đức - một người gắn bó nhiều năm với cá thể rùa hồ Hoàn Kiếm chia sẻ khá thận trọng: Qua những thông tin bước đầu, chưa thể khẳng định 100% rùa ở hồ Xuân Khanh là “hậu bối” của rùa Hồ Gươm bởi chỉ khi bắt được, so sánh về cấu trúc, hình thể... mới có thể khẳng định. Do vậy, mọi nghiên cứu, đánh giá liên quan cần cân nhắc kỹ. Để bắt được rùa ở hồ Xuân Khanh là điều không dễ. Trước đây, việc vây bắt rùa ở hồ Hoàn Kiếm để phục vụ công tác nghiên cứu cũng rất kỳ công, trong khi đó, hồ Xuân Khanh khá rộng và có mực nước sâu hơn rất nhiều lần so với hồ Hoàn Kiếm.

Dù vậy, ngay sau khi xác định cá thể rùa Hoàn Kiếm tại hồ Xuân Khanh, ATP/IMC đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp, cứu hộ và bảo tồn loài này tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã giao Sở NN& PTNT phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây, UBND huyện Ba Vì và các sở, ngành, đơn vị liên quan lập phương án bảo vệ, bảo tồn cá thể rùa Hoàn Kiếm hoang dã theo đề nghị của tổ chức này; đồng thời, chủ trì phối hợp với sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho hay, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ sớm tổ chức hội nghị với sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, người dân khu vực ven hồ, các đơn vị trực tiếp điều hành, quản lý hồ kết hợp với việc phát hành tờ rơi in thông tin nhận dạng, ý nghĩa của loài động vật hoang dã này để cộng đồng hiểu rõ, chung tay với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu bảo tồn...

Theo thông tin từ ATP/IMC: Rùa Hoàn Kiếm gần bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Tính đến năm 2016, chỉ có 3 cá thể loài này được ghi nhận còn tồn tại trên thế giới. Trong đó, 1 cá thể ở Việt Nam và 2 cá thể đang được nuôi tại Vườn thú Tô Châu (Trung Quốc).

Sơn Tùng