Cảnh báo về an toàn đường thủy!

Giao thông - Ngày đăng : 07:54, 04/05/2018

(HNM) - Vừa qua, tàu cao tốc Greenlines DP C3 đã gặp sự cố tại bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ), khiến 42 hành khách một phen hú vía. Sự việc trên là hồi chuông cảnh báo về hoạt động tàu thủy.

Tàu cao tốc bị chìm khi cập bến Tắc Suất (TP Hồ Chí Minh). Ảnh do bạn đọc cung cấp


Sau sự cố chìm tàu Greenlines DP C3 (ngày 9-4), ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh Greenlines DP (chủ đầu tư) cho biết, đơn vị đang tạm dừng khai thác loại tàu 2 thân composite C3, C4 và C5, để cùng cơ quan chức năng đánh giá toàn bộ công tác an toàn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cũng xác nhận, sau sự cố trên, Sở đã yêu cầu chủ đầu tư ngừng hoạt động 3 tàu loại 50 chỗ (C3, C4 và C5), và cùng cơ quan chức năng liên quan đánh giá lại toàn bộ điều kiện kỹ thuật của tàu và an toàn đường thủy trên tuyến, để có giải pháp phù hợp.

Tương tự, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo kiểm tra an toàn phương tiện thủy cả nước. Theo đó, yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các phương tiện chở khách chấp hành quy định về đăng kiểm phương tiện, đặc biệt là an toàn cháy nổ. Đồng thời, kiểm tra chéo, kiểm tra lại đối với phương tiện chở khách du lịch, tàu cao tốc chở khách... Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường thủy nội địa kiểm tra bến, phương tiện, thuyền viên nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy. Công khai phương tiện quá hạn đăng kiểm trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam để lực lượng chức năng nắm thông tin và quản lý các phương tiện này.

Từ sự việc trên cho thấy, chỉ khi xảy ra chuyện thì cơ quan chức năng mới "hối hả" thanh - kiểm tra, tức là "mất bò mới lo làm chuồng". Để không chờ hậu quả mới xử lý, từ hành khách đến các chuyên gia cho rằng, phải có giải pháp phòng hơn chống.

Là hành khách đi tàu cao tốc đường thủy nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thư (quận Thủ Đức) cho hay, khi đi tàu Greenlines DP loại 50 chỗ ngồi, dù thời tiết đang mùa khô nhưng mỗi lần vào vùng biển tàu bị sóng đánh rung lắc, nhiều hành khách đi không quen cũng bị nôn ói. Chưa kể vào mùa mưa, thời tiết bất thường, sóng to gió lớn, nếu đi bằng những loại tàu nhỏ này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Liên quan đến loại tàu này, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương (hoạt động trên sông Sài Gòn hơn 10 năm nay) cho rằng, tàu cao tốc Greenlines DP loại 50 chỗ ngồi được thiết kế với vỏ tàu làm bằng vật liệu composite siêu nhẹ. Khi hoạt động trên các con sông, tàu 2 thân này ít bị chông chênh, nhưng trong điều kiện sóng lớn của vùng biển sẽ bị rung lắc nhiều. Bởi theo ông Lâm, loại tàu này chạy rẽ nước chứ không phải trượt trên mặt nước như tàu cánh ngầm trước đó. Do đó, loại tàu này chỉ nên phục vụ đưa đón hành khách trên đường sông chứ hoàn toàn không phù hợp trên biển vì vào mùa mưa gió sẽ rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt Tours cho rằng, dù muộn còn hơn không, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong việc cấp phép và quản lý phương tiện giao thông đường thủy. Bởi hiện nay, các phương tiện đường thủy phục vụ việc đi lại của người dân và phát triển du lịch bộc lộ nhiều thiếu sót, hạn chế từ hệ thống thoát hiểm, bảo đảm an toàn đến xử lý tình huống khẩn cấp khi gặp sự cố.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thủy, số vụ tai nạn liên quan đến các phương tiện chở khách bằng đường thủy không nhiều như đường bộ, nhưng mức độ nghiêm trọng thường lớn hơn rất nhiều. Do đó, việc phòng hơn chống là rất cần thiết. 

Hà Phạm