Pháp và những bước đi chiến lược mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:03, 05/05/2018

(HNM) - Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Australia vừa khép lại với lời đề nghị của ông chủ Điện Elysee về việc thành lập một liên minh chiến lược 3 bên mới gồm Pháp - Ấn Độ - Australia nhằm đối phó các thách thức tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Quan điểm này đã nhận được sự tán thành của lãnh đạo Australia và Ấn Độ. Trong cuộc gặp với Tổng thống E.Macron, Thủ tướng Australia Malcolm Turbull tuyên bố hai nước chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vượng, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện kế hoạch này thông qua hợp tác trong các hoạt động hàng hải. Hai nước sẽ hỗ trợ các nước bạn tại Thái Bình Dương trong hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, hoặc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Pháp đang nỗ lực thể hiện vai trò như một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.


Trước đó, vào tháng 3-2018, Tổng thống E.Macron đã có chuyến thăm Ấn Độ. Trong chuyến công du này, lãnh đạo hai nước khẳng định tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình, cũng như cam kết tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng song phương. Theo giới phân tích, sự đồng thuận này xuất phát từ những tương đồng lợi ích chiến lược giữa Paris - New Delhi - Canberra tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rất rõ nét. Pháp cũng có một số cơ sở ở Ấn Độ Dương (bao gồm cả vùng đảo Reunion) và Thái Bình Dương (lãnh thổ hải ngoại New Caledonia). Điều này đồng nghĩa với việc Paris cần thiết phải khẳng định được vai trò trong khu vực.

Để làm điều đó, trong thời gian qua, Paris đã tăng cường đáng kể sự hiện diện tại hai khu vực nói trên với hàng loạt hoạt động khác nhau. Từ đầu năm 2018, chương trình huấn luyện "Jeanne d’Arc" đã được hải quân Pháp triển khai tại Đông Á và Nam Thái Bình Dương với sự tham gia của tàu Dixmude và tàu khu trục nhỏ Surcouf. Chưa dừng ở đó, trong tháng 2-2018, tàu khu trục Vendemiaire đã ghé thăm Nhật Bản, trong khi hạm đội hộ tống thuộc "Jeanne d’Arc" cũng tới các hải cảng ở một loạt quốc gia Đông Nam Á khác. Hạm đội cũng đã tham gia huấn luyện với các lực lượng hải quân có mặt trong khu vực, bao gồm cả hải quân Mỹ.

Bước đi mới của 3 quốc gia đã một lần nữa cho thấy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng được quan tâm trên bản đồ địa chính trị quốc tế. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra hồi tháng 11-2017 tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập ý tưởng xây dựng một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Sau đó, khái niệm này tiếp tục xuất hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ ở vị trí đứng đầu trong số những khu vực quan trọng đối với lợi ích của Washington.

Sự quan tâm ngày càng cao của các nước đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy bên cạnh những mục đích kinh tế, các thách thức đối với trật tự và an ninh quốc tế sẽ là mối quan tâm mới. Do vậy, nhiều nhóm nước đã tích cực thúc đẩy hợp tác, tăng cường xây dựng liên minh. Ngoài Pháp - Ấn Độ - Australia, Australia - Nhật Bản - Ấn Độ - Mỹ mới đây đã tái khởi động liên minh 4 bên trên cơ sở sáng kiến ngoại giao được khởi xướng từ cách đây một thập niên. Về phần mình, Pháp, Australia và New Zealand cũng đang có một thỏa thuận hợp tác về cứu hộ thiên tai tại khu vực Nam Thái Bình Dương bên cạnh một thỏa thuận 4 bên với Mỹ liên quan đến hợp tác quốc phòng.

Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống E.Macron đến Canberra cùng những đề xuất hợp tác và ý tưởng lập trục Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới là một phần trong chiến lược mạnh mẽ của Paris đối với khu vực đầy tiềm năng và quan trọng này, đồng thời thể hiện vai trò của Pháp như một cường quốc tại đây.

Hoàng Linh