Chiến dịch chống buôn người tại Mỹ Latinh
Hồ sơ - Ngày đăng : 07:12, 06/05/2018
Khoảng 500 cảnh sát đã được huy động tham gia vào chiến dịch xuyên quốc gia này. Interpol đã mất tới 30 tháng chuẩn bị với địa bàn triển khai rộng lớn, bao gồm các nước Barbados, Belice, Brazil, Colombia, Guyana, Jamaica... Theo thông báo của Điều phối viên Cem Kolcu thuộc Ủy ban Phòng chống tội phạm buôn người của Interpol, các nạn nhân vừa được giải cứu bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Hầu hết trong số họ bị buộc phải lao động cực khổ tại các khu nông trại, mỏ khai thác quặng trái phép, các khu chợ buôn bán hàng lậu, hoặc trở thành một phần trong các đường dây mại dâm tại các hộp đêm. Trong quá trình giải cứu các nạn nhân, các nhân viên điều tra thậm chí còn phát hiện những trường hợp phải sống và làm việc trong không gian chật hẹp chỉ như những chiếc quan tài. Nhiều người trong số họ không được hưởng lương, bị ngược đãi và phải sống lệ thuộc hoàn toàn vào những kẻ buôn người, ngay từ những nhu yếu phẩm cơ bản nhất.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới vẫn còn khoảng 25 triệu nạn nhân của các hình thức lao động cưỡng bức, trong đó phụ nữ và trẻ em gái chiếm tới 60%. Ước tính mỗi năm có hàng chục nghìn người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, trở thành nạn nhân của nạn buôn người tại Mỹ Latinh. Song, đây không phải là khu vực duy nhất phải đương đầu với tình trạng này. Trong một chiến dịch giải cứu năm 2017 tại 5 quốc gia Châu Phi, cảnh sát đã bắt giữ 40 kẻ buôn người và giải cứu hàng trăm nạn nhân, trong đó có tới hơn 200 trẻ vị thành niên.
Thủ đoạn của bọn buôn người là tìm kiếm những “con mồi” thuộc nhóm dễ bị tổn thương, tới từ các vùng quê nghèo, có trình độ dân trí thấp. Chúng dụ dỗ và đưa các nạn nhân sang một quốc gia khác, thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, tiền mặt và các thiết bị liên lạc rồi đẩy họ vào cuộc sống “địa ngục”. Địa điểm “giam lỏng” nạn nhân thường nằm tại những khu vực biệt lập, hẻo lánh nhằm giảm khả năng những người này bỏ trốn và cũng khiến các chiến dịch giải cứu trở nên khó khăn hơn.
Người đứng đầu Nhóm chống buôn bán trẻ em ECPAT Dorothy Rozga cho biết, nhiệm vụ khó khăn nhất sau khi giải cứu các nạn nhân là giúp họ hồi phục vì những chấn thương tâm lý, đoàn tụ với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng. Không phải bất kỳ nạn nhân nào cũng nhận được sự trợ giúp cần thiết và phù hợp để làm lại cuộc đời. Nhiều người thậm chí đã từ chối hợp tác điều tra, cung cấp bằng chứng hoặc đưa ra những thông tin sai lệch đánh lạc hướng cảnh sát do bị những tên tội phạm đe dọa hoặc thao túng. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và bảo đảm cơ chế hỗ trợ phù hợp được áp dụng là rất cần thiết để những chiến dịch giải cứu mang lại hiệu quả cao nhất.