Pakistan - Vùng đất huyền bí

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:47, 06/05/2018

(HNM) - LTS: Nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan giáp Ấn Độ về phía Đông; phía Tây Nam giáp Iran, Afghanistan và giáp Trung Quốc về phía Bắc. Phần lớn người Việt Nam chỉ biết đến mảnh đất này qua những tin tức liên quan đến khủng bố, chiến tranh và hoạt động của các tổ chức Hồi giáo Thánh chiến. Tuy nhiên, đây còn là quốc gia có sự đa dạng văn hóa, các di tích văn hóa cổ xưa và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Karakoram là một trong những cung đường quốc tế cao nhất thế giới, nối Trung Quốc và Pakistan.


Bài đầu: Những trải nghiệm thú vị


Đầu tháng 4, một người bạn hỏi: Chị có đi Pakistan với chúng em không? Tôi gật đầu luôn mà không cần suy nghĩ nhiều. Tôi đi vì Pakistan kích thích sự tò mò; vì cảm giác đây là vùng đất huyền bí mình chưa có nhiều thông tin. Tuy nhiên, chuyến đi cũng mang lại sự lo âu đến bất an của người thân. Nhưng, 10 ngày rong ruổi trên đất nước huyền bí này đã cho tôi những trải nghiệm thú vị.

Thiên đường nơi hạ giới!


Sau 2 chặng bay, phải nối chuyến tại Bangkok (Thái Lan), chúng tôi tới thủ đô Islamabad lúc gần nửa đêm. Vậy nhưng, từ tinh mơ hôm sau, cả đoàn khách Việt Nam đã rời Islamabad để đi Chilas, bắt đầu khám phá đường cao tốc Karakoram, vốn được coi là kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Đường cao tốc Karakoram được xây dựng trong 20 năm, ở độ cao tới 4.600m so với mặt nước biển và trở thành tuyến đường trải nhựa quốc tế cao nhất thế giới. Tuyến đường dài 1.290km, nối từ Pakistan sang Trung Quốc, chạy dọc theo dãy núi Karakoram hùng vĩ, hiểm trở. Quách Tuấn Anh, một thành viên trong đoàn vốn là người đam mê nhiếp ảnh cho biết, anh đã có nhiều chuyến đi “săn mây” ở Tà Xùa, Y Tý vùng Tây Bắc Việt Nam. Nhưng được nhìn thấy những ngọn núi hùng vĩ, bao bọc bởi những dải mây trắng muốt, dày, đẹp nổi bật trên nền trời xanh trong vắt tại đây, Tuấn Anh cũng phải thốt lên: Quả là “thiên đường ở hạ giới”.

Dọc cung đường vắt vẻo đèo dốc này là những dãy núi hùng vĩ, hiểm trở trùng điệp. Trên cao tốc Karakoram dài khoảng 500km có đến 20 đỉnh núi có độ cao trên 7.000m so với mực nước biển, trong đó có đỉnh K2, đỉnh núi cao thứ hai trên thế giới (8.611m), chỉ kém “nóc nhà thế giới” là Everest vỏn vẹn 237m. Dãy núi này là khu vực đóng băng dày đặc nhất của thế giới bên ngoài các vùng cực. Sông băng Siachen với chiều dài 70km và sông Biafo dài 63km là các sông băng dài thứ hai và thứ ba trong các sông băng bên ngoài các vùng cực. Đặc biệt, trên thế giới có 14 đỉnh núi cao trên 8.000m thì ở Pakistan có 5 và đều thuộc dãy Karakoram. Đây cũng là nơi thu hút nhiều vận động viên leo núi các nước tới thử sức.

Càng đi lên phía Bắc, cung đường Karakoram càng đẹp hơn với dòng sông Indus xanh ngắt uốn lượn giữa các dãy núi trùng điệp nối nhau và các thung lũng màu mỡ vùng Hunza. Song song với đường cao tốc, phía bên kia núi vẫn còn đó dấu tích của “Con đường tơ lụa” huyền thoại cheo leo, dốc ngược bên những vách núi. Cũng dọc con đường này có rất nhiều cầu treo nối từ đường cao tốc vào những làng quê trù phú. Những dây cáp được kết nối với trụ cầu xây bằng đá không chỉ vững chãi mà còn được thiết kế đẹp như một chiếc cổng thành bề thế.

Trong hành trình, chúng tôi đã tới điểm cuối của đường cao tốc nằm sát biên giới Pakistan - Trung Quốc. Khoảng 40km cuối này, tuyết bao phủ gần như từ dưới chân lên tới đỉnh các ngọn núi. Những bông tuyết rơi trải trắng mặt đất. Giữa khe núi cũng có những dải tuyết trắng như suối tóc tạo nên cảnh sắc bắt mắt. Tuyết nhiều đến mức không có nắng mà vẫn phải đeo kính râm vì trắng đến chói mắt. Dọc đường chúng tôi thấy từng đàn trâu với bộ lông dày, dài, bình thản kiếm ăn. Trên núi cao, qua kính viễn vọng thấy cả những đàn sơn dương, báo tuyết nhẩn nha kiếm mồi. Khu vực này thuộc Vườn quốc gia Khunjerab, vườn quốc gia lớn thứ 3 của Pakistan, nằm sát biên giới Trung Quốc ở độ cao 4.693m so với mặt nước biển.

Rời Khunjerab, xuôi về hạ Hunza, chúng tôi được chiêm ngưỡng sông băng Passu. Sông băng ở đây cũng có 2 loại: Sông băng trắng và sông băng đen. Chúng tôi cũng đã gặp những người bạn Thái Lan tới ngắm sông băng. Họ cũng như chúng tôi, đều đến từ vùng Đông Nam Á nắng chói chang nên bị cảnh sắc nơi đây làm say lòng.

Mảnh đất dành cho người ưa khám phá

Tháng 4, Pakistan nói chung và Hunza nói riêng đang vào mùa xuân. Không khí ẩm ướt. Cây trái đang độ đơm hoa. Hoa mơ tím hồng, hoa táo trắng muốt đua nhau khoe sắc. Cây trái được trồng nhiều trên những triền núi, trong những mảnh vườn nhỏ của nhà dân. Hunza đang độ xuân nên chỉ thấy mơ sấy dẻo từ mùa trước, trái to, cùi dày và có mùi thơm đặc trưng. Nho xanh, nho đen khô cũng nhiều vô kể. Hạt óc chó đã tách vỏ cũng vậy, tất cả đều có giá 1.000 rupee/kg, tương đương với 200.000 đồng/kg. Bên cạnh hoa quả, tại những khu chợ, rau củ được bày bán phong phú về chủng loại với giá rất rẻ.

Những ngày lưu lại mảnh đất mến khách này, trong mọi bữa ăn, ngoài cơm còn có bánh nan. Đây là loại bánh làm từ bột mỳ cán mỏng và nướng trên chảo. Bánh nan có thể ăn với trứng rán hoặc cary. Ngoài ra, tôi đã thấy cách nấu cơm thật đặc biệt của những người bạn ở đây. Hạt gạo nhỏ, dài được luộc trong nước sôi có thêm dầu ăn. Khi hạt gạo đã mềm, nước được chắt bỏ và tiếp tục đồ cho chín. Cách ăn này, với cá nhân tôi và những người trong đoàn, là không hề dễ dàng.

Người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn nên món ăn đều được chế biến từ thịt bò, cừu và gà. Gà khi chế biến được lột bỏ hết da. Trà sữa là thức uống sau mọi bữa ăn, sáng, trưa, tối và rất ngon. Trong khi đó, cary có mặt trong thức ăn chính mọi bữa ăn. Cary xuất hiện nhiều trong các bữa ăn khiến chúng tôi phải mua thịt bò, gà về để tự chế biến theo phong vị người Việt. Một kilôgam thịt đùi bò rất tươi ngon có giá 400 rupee (tương đương 80.000 đồng). Vậy nên cách ngày chúng tôi lại mua chừng 6-8kg thịt bò để xào với hành tây hoặc rau cải, hoặc khoai tây; một phần có thể nướng hoặc kho gừng; xương ninh để nấu cháo hoặc súp. Các khách sạn ở Pakistan luôn tạo điều kiện cho du khách sử dụng bếp nấu ăn vì họ hiểu không phải ai cũng có thể ăn cary nhiều ngày. Chúng tôi chỉ phải trả các khoản phí phát sinh phải chăng.

Vùng Hunza có mức sinh hoạt thấp, dịch vụ chưa phát triển, nhưng lại thích hợp cho những ai thích du lịch mạo hiểm. Nhiều nơi chưa có điện lưới mà chủ yếu dùng máy phát nên lâu lâu lại mất điện. Vì thế, các khách sạn trong vùng đều thông báo rõ: Nước nóng chỉ có từ 5h đến 10h và từ 18h đến 20h. Nguồn nước cũng phụ thuộc vào giếng khoan. Phòng ở nhiều nơi cũng chưa được tốt lắm. Wifi cũng chập chờn. Thậm chí có khu vực chúng tôi dừng nghỉ hai ngày hoàn toàn không có internet.

(Còn nữa)

Thuận Thi