Đổi mới công tác cán bộ là nhu cầu tự thân của Đảng

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:51, 06/05/2018

(HNM) - Sau khi cách mạng thành công, một trong những mối bận tâm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Sứ mệnh - nghĩa vụ cầm quyền đòi hỏi nhiều cái mới, đặc biệt là phẩm chất, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ.

1. Bằng sự trải nghiệm dày dạn kinh nghiệm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện ra cái gì thuộc về thực chất của chính quyền mới và những mâu thuẫn dễ phát sinh khi Đảng cầm quyền. Chế độ cộng hòa dân chủ do Đảng lãnh đạo thì dân là chủ, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, cán bộ là đày tớ trung thành của nhân dân. Mặt khác phải nhận thức đúng đắn rằng, cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất vĩ đại trong việc tiên tri, tiên lượng về những nguy cơ của một đảng cầm quyền. Ngay sau khi cách mạng thành công, trong nhiều bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án nhiều căn bệnh của cán bộ như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hữu danh vô thực... Người yêu cầu: Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích, sửa đổi lối làm việc. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tiến bộ được.

Trên cơ sở nhận thức “vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”; “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác cán bộ. Việc cần phải làm trước hết là hiểu biết cán bộ. Đây là điểm xuất phát của công tác cán bộ, khó làm, nhưng khó mấy cũng phải làm tốt. Bởi vì, nếu không biết rõ, đánh giá đúng cán bộ về các mặt, đặc biệt là phẩm chất tư tưởng, chính trị, đạo đức, năng lực, bản lĩnh, phương pháp, phong cách công tác thì rất nguy hiểm trong khi dùng và cất nhắc cán bộ.

Để hiểu biết đúng cán bộ thì người lãnh đạo đứng đầu, người làm công tác cán bộ không được tự cao, tự đại, chống bệnh ưa người ta nịnh mình, lấy lòng yêu ghét của mình đối với cán bộ, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Phải có một sự công tâm, khách quan, phương thức khoa học để xem xét cán bộ đúng. Bởi vì, quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải giống nhau. Xem xét cán bộ không chỉ xem ngoài mặt mà phải xem cả tính chất của họ; xem một việc và tất cả công việc, cả quá trình lịch sử. Có người lúc cách mạng thuận lợi thì hăng hái, lúc hơi khó khăn thì hoang mang, lúc đặc biệt khó khăn, nguy hiểm thì phản cách mạng. Đó là loại người “muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng thì lầm nó là cán bộ tốt”.

Xem xét cán bộ phải làm thường xuyên, vì mỗi lần như vậy, một mặt tìm thấy nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa lòi ra. Cũng cần phân biệt cho đúng cán bộ tốt và cán bộ làm được việc. Có cán bộ vừa làm được việc, vừa là cán bộ tốt. Nhưng cũng có cán bộ làm được việc nhưng hay khoe khoang, tâng bốc, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì làm trái, hay công kích người khác, thì đó không phải cán bộ tốt. Có loại cán bộ cần cù làm việc, không khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm, không ham việc dễ, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, bất kỳ hoàn cảnh nào, lòng dạ không thay đổi, những người như thế dù công tác kém một chút, cũng là cán bộ tốt.

Hiểu biết cán bộ là cơ sở để lựa chọn cán bộ. Phải lựa chọn những người rất trung thành và hăng hái trong công việc; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu dân chúng, chú ý đến lợi ích của dân chúng; những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn; những người luôn giữ đúng kỷ luật. Những người sợ phụ trách, không có sáng kiến, văn hay nói khéo nhưng không làm được việc thì không phải là người lãnh đạo.

Một khâu rất quan trọng của công tác cán bộ là khéo dùng cán bộ. Dùng cán bộ là giúp cán bộ sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phải tùy tài mà dùng người, tránh thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao. Dùng cán bộ là khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây. Nếu sử dụng loại cán bộ giỏi tâng bốc cấp trên, “đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”. Trong việc dùng cán bộ, nhất định phải chống bệnh dùng người bà con, anh em quen biết; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, ghét người chính trực; dùng những người tính tình hợp với mình, tránh những người tính tình không hợp với mình; với những người chính trực, có tài thì bới lông tìm vết, dìm xuống.

Trong công tác cán bộ phải có gan cất nhắc cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng, cất nhắc cán bộ là vì công tác, vì tài năng, cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Tuyệt đối không vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang. Trước khi cất nhắc cán bộ, phải xem xét rõ ràng tất cả các mặt công tác, sinh hoạt, việc làm có đúng với lời nói không. Sau khi cất nhắc rồi thì phải giúp đỡ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ. Cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vẫn vẹn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục soi sáng cho công tác cán bộ của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có một số nghị quyết về công tác cán bộ, nhờ đó thúc đẩy sự nghiệp cách mạng phát triển. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hiện nay đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, việc xây dựng đội ngũ cán bộ phải có những chuyển biến mới. Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) bàn về “Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Bởi vì xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong đó có đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ là nhu cầu tự thân của Đảng và cũng là nhu cầu của đất nước.

Bối cảnh, điều kiện mới, Đảng phải đổi mới một cách triệt để mọi mặt, đặc biệt là công tác cán bộ. Đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược chẳng những phải chống quyết liệt những căn bệnh trầm kha như lộng quyền, cá nhân lũng đoạn làm suy thoái, tha hóa; mà còn phải xây thêm những phẩm chất mới, trong đó, tri thức, dân chủ, liêm khiết, chính tâm như thuộc tính mà thiếu chúng, Đảng sẽ không gánh vác nổi sứ mệnh cực kỳ nặng nề. Điều cốt tủy là ý thức phục vụ quần chúng, điều này cần được gia tăng tương ứng với sự gia tăng quyền lực. Uy tín của cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược không phải viết lên trán chữ “cộng sản”. Quần chúng chỉ quý mến những cán bộ có tư cách đạo đức. Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lần này phải được xác định là một cuộc cách mạng mang tính quần chúng sâu sắc để thực hiện được điều mong muốn của Bác Hồ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu...

PGS.TS Bùi Đình Phong