Đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:49, 07/05/2018

(HNM) - UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi trong giai đoạn già hóa dân số...

Thiếu nhân lực và vật lực

Với người cao tuổi, tuổi thọ tăng kéo theo gánh nặng bệnh tật. Một nghiên cứu được Bệnh viện Lão khoa trung ương thực hiện với 610 người trên 80 tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho thấy, một người cao tuổi trung bình mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ…, cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời.

Thế nhưng, thu nhập bình quân của họ chỉ ở mức gần 540 nghìn đồng/tháng (chủ yếu từ bảo trợ xã hội, lương hưu). Bên cạnh đó, gần 28% số người cao tuổi cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản (vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, di chuyển, ăn uống…) và 90% số người cao tuổi cần trợ giúp trong việc mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo…

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Ảnh: Linh Ngọc


Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng đối với người cao tuổi hiện còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát thực trạng nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội (năm 2016-2017) cho thấy mô hình trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội. Không chỉ thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng.

Còn đối với mô hình nhà dưỡng lão có thu phí do các tổ chức ngoài công lập xây dựng và vận hành, điều kiện cơ sở vật chất được bảo đảm, đủ nhân viên, hộ lý, điều dưỡng, bác sĩ. Tuy nhiên, do mức phí ấn định từ 4 đến 9 triệu đồng/tháng tùy vào từng gói dịch vụ và mức độ cần được chăm sóc của người cao tuổi nên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ này.

Theo GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, trở ngại lớn đối với công tác chăm sóc người cao tuổi là hầu hết địa phương đều thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành lão khoa.

Mặt khác, với người cao tuổi, hệ thống cơ sở y tế chủ yếu làm nhiệm vụ điều trị, nghĩa là bệnh nhân mắc bệnh vào điều trị, khỏi thì về, mắc bệnh nào thì điều trị ở chuyên khoa đó. Đây là cách tiếp cận không phù hợp vì đa số người già mắc nhiều bệnh cùng lúc, sức khỏe lại yếu nên không thể đi từng bệnh viện chuyên ngành, từng chuyên khoa để khám, điều trị từng loại bệnh riêng biệt…

Thành lập khoa lão tại các bệnh viện

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, theo GS.TS Phạm Thắng, cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế về chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể là đưa lão khoa vào danh mục ưu tiên, triển khai quyết liệt việc thành lập khoa lão tại các bệnh viện, tổ chức phòng khám cho người cao tuổi tại các khoa khám bệnh. Cần tăng cường và đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi như: Phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; khu chung cư dành cho người già; mở thêm trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội ban ngày cho người cao tuổi...

Riêng với TP Hà Nội, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 95% số người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, có 85% số người cao tuổi được khám sức khỏe thông thường định kỳ ít nhất một lần trở lên/năm; được tầm soát ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư thường gặp ở người cao tuổi, được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại trạm y tế tuyến xã. Mục tiêu chung được đề ra là đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông sẽ được thành lập khoa lão. Các bệnh viện tuyến huyện dành một số giường để điều trị cho người cao tuổi.

Bên cạnh đó, cần thành lập Bệnh viện Lão khoa TP Hà Nội; xây dựng Trung tâm Dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi TP Hà Nội theo hình thức xã hội hóa; triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trung tâm Tư vấn dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội. Mặt khác, cần phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày tại các quận, huyện, thị xã (theo hình thức xã hội hóa), ít nhất mỗi quận, huyện, thị xã có một trung tâm.

Thu Trang