Xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC: Các bị cáo khai về Hợp đồng EPC số 33
Pháp đình - Ngày đăng : 18:56, 07/05/2018
Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Nhiều bị cáo xin giảm hình phạt và trách nhiệm bồi thường dân sự, bên cạnh đó phần xét hỏi tập trung làm rõ liên quan đến những sai phạm tại Hợp đồng EPC số 33 của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) là bị cáo đầu tiên thực hiện phần xét hỏi và giải trình liên quan đến nội dung kháng cáo.
Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Vũ Đức Thuận 7 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 22 năm tù. Bản án sơ thẩm nhận định, bị cáo Vũ Đức Thuận với cương vị là Tổng Giám đốc PVC, mặc dù biết Hợp đồng số 33/PVPOWER-PVC/2011/EPC (viết tắt Hợp đồng EPC số 33) của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng và trực tiếp tham gia việc quyết định sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích. Ngoài ra, thực hiện yêu cầu của Trịnh Xuân Thanh, bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút tiền từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng. Theo bản án sơ thẩm, cá nhân bị cáo Vũ Đức Thuận được ăn chia số tiền 800 triệu đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cả hình sự và trách nhiệm dân sự với lý do mức án sơ thẩm là quá nặng. Bị cáo Thuận cho rằng mình cũng không phải là chủ mưu của tội "Tham ô tài sản", không chỉ đạo, lập hồ sơ khống để tham ô tài sản, đã tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng điều tra nhưng không được cấp sơ thẩm xem xét; bên cạnh đó gia đình có truyền thống cách mạng. Bị cáo Vũ Đức Thuận cho biết thêm, gia đình bị cáo cũng đã nộp 375 triệu đồng để khắc phục hậu quả theo bản án sơ thẩm.
Bị cáo Vũ Đức Thuận thừa nhận, mặc dù Hợp đồng EPC số 33 chưa đầy đủ như chưa có thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và hồ sơ yêu cầu… nhưng bị cáo vẫn ký. Lý do là bởi thời điểm đó, tình hình tài chính của PVC rất khó khăn khi khoản vay ngân hàng 800 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán và trả nợ. Ngoài ra, theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị, phải góp vốn vào các đơn vị thành viên, chuyển tiền đến các công trình của PVC… Theo bị cáo Thuận, trước khi ký, bị cáo có lấy ý kiến Hội đồng Quản trị và được sự đồng ý của các thành viên Hội đồng Quản trị.
Bị cáo Vũ Đức Thuận lập luận, việc ký hợp đồng sẽ tạo việc làm cho hàng nghìn cán bộ, nhân viên của PVC. Bị cáo ký hợp đồng với tư cách người đại diện theo pháp nhân, thực hiện theo chủ trương của tập thể chứ một mình bị cáo không thể quyết định được.
Cũng tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC) cho rằng, chỉ khi làm việc với cơ quan An ninh điều tra mới biết sai phạm tại Hợp đồng EPC số 33.
Bị cáo Quý có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên tại phiên xét hỏi, bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét thay đổi tội danh. Trước đó, Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Quý 6 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Theo nhận định của bản án sơ thẩm, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, mặc dù biết Hợp đồng EPC số 33 chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng bị cáo vẫn ký nghị quyết thông qua nội dung Hợp đồng EPC số 33 để PVC có căn cứ được nhận tạm ứng và tham gia việc quyết định sử dụng tiền tạm ứng này sai mục đích.
Bị cáo Quý cho rằng, bản án sơ thẩm kết tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tuy nhiên tất cả các hành vi của bị cáo đều là vô ý, chứ không phải hành vi cố ý làm trái quy định, bị cáo chỉ biết ký thay Hội đồng Quản trị của PVC do bị cáo Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan An ninh điều tra thì bị cáo mới biết những vi phạm trong hợp đồng. Về dân sự, Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo phải bồi thường 6 tỷ đồng thì quá nặng.
Được Tòa xét hỏi nội dung liên quan đến bị cáo Quý, bị cáo Vũ Đức Thuận cho biết, theo quy định thì các hợp đồng phải có Chủ tịch Hội đồng Quản trị quyết định chủ trương trên cơ sở các phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng Quản trị. Theo bị cáo Thuận, bị cáo Quý không phải là Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực tài chính, cũng không có năng lực chuyên môn về tài chính. Mà ở Tổng Công ty thì thường Chủ tịch Hội đồng Quản trị chỉ đạo ký thì bị cáo Quý cũng ký đồng ý. Theo lời bị cáo Thuận "có thể bị cáo Quý thực sự không biết có vi phạm khi ký nghị quyết thông qua Hợp đồng EPC số 33, mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo".
Khi được xét hỏi về Hợp đồng EPC số 33 tại phiên phúc thẩm, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính Kế toán PVN) cho rằng, bản thân bị cáo thời điểm đó nghĩ rằng hợp đồng không sai mà chỉ thiếu các điều khoản về thanh toán nhưng đã có các điều khoản tạm ứng để hợp đồng có hiệu lực. Bị cáo nghĩ rằng khi dự án được thực hiện sẽ được đảm bảo các điều kiện đúng quy định pháp luật nên đã đồng ý thực hiện việc chuyển tiền cho Ban Quản lý dự án.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh xin giảm hình phạt và giảm trách nhiệm bồi thường. Trước đó, Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Ninh Văn Quỳnh 7 năm tù với tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Theo Tòa sơ thẩm, với vai trò là Kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính Kế toán PVN, bị cáo Quỳnh mặc dù biết Hợp đồng EPC số 33 được ký và thực hiện trái quy định nhưng bị cáo vẫn đề xuất với Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) trong việc chuyển tiền cho Ban Quản lý dự án để Ban Quản lý dự án chi tạm ứng cho PVC trái quy định.
Cũng tại phiên tòa, các bị cáo khác đều xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường so các quyết định của bản án sơ thẩm. Ngày mai (8-5), Tòa tiếp tục phần xét hỏi.