Ba phi công ưu tú hàng đầu của Liên Xô trong Thế chiến II

Hồ sơ - Ngày đăng : 08:43, 07/05/2018

Các phi công đạt cấp Ách của Liên Xô có thành tích bắn hạ máy bay phát xít cao nhất phe Đồng minh trong Thế chiến II.

Ngày 22-6-1941, phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa nhằm vào Liên Xô và cũng là cuộc xâm lược có quy mô lớn nhất lịch sử loài người.

Nhiều phi công Liên Xô đã chiến đấu dũng cảm và đạt cấp "Ách" (Ace) khi bắn hạ 5 máy bay địch trở lên, góp phần chặn đứng đà tiến quân và đẩy lùi phát xít Đức. Trong số đó, có ba phi công bắn hạ nhiều máy bay cao nhất phe Đồng minh và chỉ thua kém những "Ách" mạnh nhất của Đức, theo RBTH.

Ivan Kozhedub

Ông là phi công hàng đầu của Liên Xô với thành tích 64 lần bắn rơi máy bay đối phương được xác nhận, trở thành phi công tiêm kích thành công nhất của phe Đồng minh trong Thế chiến II.

Kozhedub học lái máy bay ở câu lạc bộ Shostkinsk trước khi gia nhập Hồng quân Liên Xô năm 1940. Ông tốt nghiệp Trường không quân Chuguev năm 1941, thời điểm Đức bắt đầu xâm lược Liên Xô. Tuy nhiên, Kozhedub quyết định ở lại trường thêm hai năm để huấn luyện các phi công trẻ.

Ivan Kozhedub bên cạnh chiếc máy bay của mình vào năm 1944. Ảnh: RBTH.


Cảm thấy tài năng của mình sẽ đóng góp nhiều hơn trong chiến đấu, Kozhedub đề nghị được chuyển sang đơn vị tiền tuyến. Yêu cầu này được chấp thuận vào tháng 3-1943, ông được điều đến Sư đoàn không quân tiêm kích số 240.

Tuy nhiên, trận không chiến đầu tiên của Kozhedub suýt trở thành trận đánh cuối vì sự cố bắn nhầm. Tiêm kích La-5 của Kozhedub gần như bị pháo phòng không Liên Xô bắn hỏng khi trở về căn cứ. Dù vậy, ông vẫn hạ cánh an toàn.

Ivan Kozhedub luôn tìm cách để cứu máy bay của mình trong chiến đấu. Chiến đấu cơ của ông bị trúng đạn tới 7 lần, nhưng không lần nào ông nhảy dù mà luôn cố gắng điều khiển tiêm kích hạ cánh về căn cứ.

Là xạ thủ giỏi, Kozhedub thích tấn công máy bay phát xít Đức ở cự ly 200-300 m. Ông đã tham gia 120 trận không chiến, bắn hạ các phi cơ hàng đầu của Đức như oanh tạc cơ bổ nhào Ju-87, oanh tạc cơ He-111, tiêm kích Fw-190, Bf-109 và cả Me-262, mẫu tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới.

Alexander Pokryshkin

Với 59 lần diệt địch, Alexander Pokryshkin được coi là phi công có thành tích tốt thứ hai của Liên Xô trong Thế chiến II.

Khởi đầu binh nghiệp với công việc là kỹ sư hàng không, Pokryshkin luôn mơ ước được lái máy bay. Sau 39 lần bị bác đơn xin chuyển sang trường không quân, đề nghị của ông được chấp thuận ở lần thứ 40.

Phi công Alexander Pokryshkin. Ảnh: RBTH.


Trong Thế chiến II, Pokryshkin xem các trận không chiến với phát xít Đức là môi trường để học hỏi và nghiên cứu. Ông đã phân tích tỉ mỉ mỗi trận chiến mà phi đội mình tham gia và góp phần chỉ ra chiến thuật lạc hậu của không quân Liên Xô trong giai đoạn đầu cuộc chiến, nhằm áp dụng nhiều thay đổi sau đó.

Pokryshkin luôn tấn công máy bay dẫn đầu đội hình đối phương, nhiệm vụ khó nhất trong không chiến. Các phi công Đức luôn cảm thấy sợ hãi khi đối đầu với Pokryshkin, đến mức họ thường cảnh báo lẫn nhau khi ông xuất kích.

Nikolay Gulayev

Chỉ xếp thứ ba trong các phi công cấp Ách của Liên Xô, nhưng Nikolay Gulayev lại nắm giữ kỷ lục bất bại liên tiếp lâu nhất trong các phi công tiêm kích. Ông bắn hạ 42 máy bay địch trong 42 trận không chiến đầu tiên của mình. Tổng cộng Gulayev đã có 57 lần diệt phi cơ đối phương được xác nhận.

Dù không nổi tiếng bằng Kozhedub và Pokryshkin, Gulayev lại có tài năng và trình độ không chiến tốt hơn hai người đồng đội.

Nikolay Gulayev. Ảnh: RBTH.


Trong lần tham chiến đầu tiên năm 1942, Gulayev đã tự ý xuất kích dù chưa có lệnh và bắn hạ một oanh tạc cơ Đức, sau khi phát hiện máy bay địch gần căn cứ, giữa lúc các phi công kinh nghiệm ở đơn vị đã đi chiến đấu. Ông bị khiển trách vì tự ý cất cánh, nhưng được tặng thưởng và thăng quân hàm vì thành tích này.

"Gulayev là phi công rất tài năng, không bao giờ hoảng loạn và nhanh chóng đánh giá được tình hình. Anh ấy rất dũng cảm và quyết tâm, thường giải cứu cho đồng đội cũng như có niềm đam mê thực sự của một thợ săn", Fyodor Archipenko, một đồng đội của Gulayev, hồi tưởng.

Trong một lần tham chiến, máy bay Gulayev hết đạn sau khi hạ hai oanh tạc cơ Ju-87. Ông điều khiển tiêm kích Yak-1 của mình đâm vào oanh tạc cơ thứ ba. Dù tiêm kích sau đó xoay vòng mất kiểm soát, Gulayev vẫn điều khiển máy bay trở về căn cứ và hạ cánh an toàn.

Theo Vnexpress