Chế tài chưa đủ sức nặng...
Giao thông - Ngày đăng : 07:08, 07/05/2018
Chẳng hạn, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài tới vài cây số trong ngày 27 và 28-4 theo chiều từ nội thành ra (khi người dân về quê nghỉ lễ, hoặc đi du lịch) và vào ngày 1-5 theo chiều ngược lại (khi người dân kết thúc kỳ nghỉ lễ trở lại Thủ đô); Trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng ùn tắc kéo dài trong ngày 28-4...
Theo quy định hiện hành, nếu các trạm thu giá BOT không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt. Mức phạt cao nhất đối với trạm thu giá để xảy ra ùn tắc có thể lên đến 70 triệu đồng/trường hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, với chế tài xử phạt nếu bị áp ở mức cao nhất cũng chỉ tới 70 triệu đồng là quá thấp so với số tiền thu giá mà mỗi trạm thu được từ hàng nghìn phương tiện đang “chôn chân” trong khói bụi để chờ nộp phí nên doanh nghiệp quản lý sẵn sàng chịu nộp phạt. Thành ra, quy định được ban hành nhưng dường như không đủ sức nặng. Cuối cùng thì người tham gia giao thông vẫn là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất.
Khi một sự việc cứ kéo dài từ năm này qua năm khác, với sự bất hợp lý đã được “chỉ mặt đặt tên”, thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần xây dựng một cơ chế kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả hơn; nâng mức chế tài theo hướng không chỉ phạt tiền mà phải xem xét “treo thu giá” theo các mức 1 tuần, 2 tuần, hay 1 tháng tùy mức độ vi phạm. Và quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải bố trí lực lượng tham gia giám sát một cách khách quan về tình trạng ùn tắc, từ đó có cơ sở pháp lý để xử phạt các trạm BOT không chấp hành.