Hướng vào chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:51, 07/05/2018
Hướng dẫn thực hành nghề thêu máy cho người lao động tại xã La Phù (huyện Hoài Đức).Ảnh: Bá Hoạt |
Còn nhiều bất cập
Học xong lớp đào tạo nghề may công nghiệp tổ chức kéo dài 3 tháng tại địa phương, chị Phạm Thị Thu Hường (thôn La Thiện, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) đã đầu tư gần 4 triệu đồng sắm một chiếc máy may và nhận may gia công tại nhà. Chị Hường chia sẻ: "Nhờ nghề may, mỗi tháng tôi có thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống".
Cũng như chị Hường, nhiều lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tại các huyện, quận và thị xã có đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2010-2017 đã đào tạo nghề cho 172.514 người (bao gồm 83.618 người học nghề nông nghiệp và 88.896 người học nghề phi nông nghiệp). Tỷ lệ có việc làm của người lao động sau học nghề đạt trên 80%. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới...
Bên cạnh kết quả đạt được, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) Phương Văn Liểu cho biết, lớp dạy nghề cho lao động nông thôn chỉ kéo dài trong thời gian 3 tháng, phù hợp với các nghề nông nghiệp hoặc nghề giản đơn như: May công nghiệp, mây giang đan. Với các nghề đòi hỏi kỹ thuật cao như: Hàn, mộc, điện tử thì cần phải đào tạo chuyên sâu hơn học viên mới nắm bắt được kiến thức, kỹ năng để tự sản xuất tại nhà hoặc vào làm công nhân trong các doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người sau khi học nghề vẫn khó kiếm việc làm hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Chỉ ra bất cập, Chủ tịch UBND xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) Phạm Văn Mạnh trăn trở: "Ở địa phương ven đô như Di Trạch, rất nhiều lao động có nhu cầu học nghề lái xe ô tô nhưng ngành chức năng lại không mở lớp dạy nghề này; trong khi đó, các lớp dạy nghề trồng hoa cây cảnh, cây ăn quả... thì người học "chỉ để biết" chứ khó áp dụng, bởi diện tích đất nông nghiệp ở địa phương không còn nhiều."
Thực tế cho thấy, tình trạng diễn ra ở nhiều địa phương là người học nghề chưa xác định đúng nhu cầu học, thậm chí có trường hợp học "theo phong trào" nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phúc Thọ Hà Hữu Thính phản ánh: "Khi mới mở lớp, học viên đăng ký rất đông nhưng quá trình học lại bỏ dần. Chúng tôi phải vận động để người dân hoàn thành khóa học"...
Về vấn đề này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ rõ thực trạng: Nhiều vùng nông thôn của Hà Nội có ít doanh nghiệp hoạt động hoặc chưa có liên kết vùng, chưa xây dựng được hệ thống bao tiêu sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp nên việc gắn kết trong đào tạo và sản xuất còn khó khăn…
Mở lớp khi thật sự có nhu cầu
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2018, Hà Nội có kế hoạch đào tạo nghề cho 24.000 lao động. Tháo gỡ khó khăn, UBND thành phố đã ban hành Công văn 1164/UBND-KGVX ngày 20-3-2018, trong đó chỉ đạo tăng cường vai trò triển khai thực hiện của chính quyền cấp xã; các ban, ngành, hội, đoàn thể và thành viên Ban Chỉ đạo 1956 tại địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho người lao động nông thôn về học nghề và tạo việc làm sau học nghề; tổ chức rà soát, kiểm tra chặt chẽ nhu cầu học nghề bảo đảm chính xác, gắn chặt với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và phù hợp với khả năng, nguyện vọng, cơ hội việc làm sau học nghề...
Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu các địa phương chỉ tổ chức tuyển sinh và mở lớp dạy nghề khi thật sự có nhu cầu, không chạy theo số lượng, gây lãng phí, kém hiệu quả; chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề. Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã, các hội đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng các quy định đào tạo trình độ sơ cấp.
Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Lê Minh Thảo cho biết, danh mục nghề đang được thành phố triển khai đào tạo không cố định. Khi có nhu cầu ở ngành, nghề khác, các địa phương đề xuất trình thành phố bổ sung thực hiện. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ công tác tuyên truyền, tư vấn cho người lao động đến xác định, lựa chọn nghề đào tạo, đối tượng được đào tạo, hiệu quả sau đào tạo...
Đồng thời, có định hướng chỉ đạo từ cơ quan chức năng đối với trách nhiệm của các doanh nghiệp trong tham gia phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.
Hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo cho những năm tiếp theo với yêu cầu thực tế theo hướng bổ sung các ngành, nghề phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương tham gia đào tạo, trợ giúp lao động nông thôn sau học nghề được tiếp nhận làm việc ổn định hoặc bao tiêu sản phẩm lâu dài; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sau học nghề...