Tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị
Xã hội - Ngày đăng : 15:46, 08/05/2018
Người tiêu dùng tham quan khu trồng nấm kim châm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOCO Thanh Cao. |
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: Sản xuất lúa chất lượng cao, có giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25 đến 30% tập trung ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Đông Anh, Thanh Oai…; sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm ở Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm…; trồng cây ăn quả, cây cảnh đạt từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/ha/năm ở Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Mê Linh…; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản với các sản phẩm thịt bò, lợn, gà, vịt, trứng, cá ở Thanh Oai, Ứng Hòa, Mê Linh, Chương Mỹ…
Trong chương trình hội thảo, người tiêu dùng là những hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã được các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu về chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Các hội viên cũng được khảo sát thực tế tại khu vực trồng và sản xuất nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao ở xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức); mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học, giết mổ và chế biến sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm theo công nghệ Cộng hòa Liên bang Đức của HTX Hoàng Long, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai).
Đồng thời, các hội viên được Trung tâm Hội nhập và phát triển IDE thuộc Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hướng dẫn nâng cao kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn bằng cách truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm để biết thông tin chi tiết về sản phẩm, số điện thoại nhà sản xuất, đơn vị cung cấp về quy trình sản xuất sản phẩm.