Sức ép tiếp tục đè nặng lên nước Anh
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 08/05/2018
Người biểu tình Scotland đòi độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. |
Năm 2014, Scotland từng trưng cầu dân ý đòi tách khỏi Anh nhưng kết quả là 55% người dân muốn ở lại. Tại thời điểm đó, lựa chọn của người dân vùng đất phương Bắc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã nhận được sự hoan nghênh của hầu hết các nước Châu Âu, cho rằng đây là điều cần làm để duy trì sự thống nhất và giúp thúc đẩy một ngôi nhà chung EU đoàn kết, cởi mở và phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, tình hình đã có nhiều thay đổi sau sự kiện Anh chọn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit hồi tháng 6-2016. Một số người biểu tình tin rằng, với những diễn biến thực tế trong thời gian qua, nếu tiến hành trưng cầu dân ý một lần nữa thì không loại trừ khả năng những người ủng hộ tách Scotland khỏi Anh sẽ giành chiến thắng.
Những lập luận này hoàn toàn có căn cứ vì trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, có 51,89% người dân Liên hiệp Anh đã bỏ phiếu đồng ý, song tới 62% người dân Scotland lại bỏ phiếu thể hiện mong muốn ở lại EU. Ngay sau khi kết quả này được công bố, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon kêu gọi trưng cầu dân ý lần thứ 2 về nền độc lập của Scotland và quay trở lại mái nhà EU sau khi đã trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã bác đề nghị này và cho rằng không thể có trưng cầu dân ý cho Scotland trước khi tiến trình Brexit hoàn tất. Trong các cuộc thăm dò mới đây, số người ủng hộ Scotland độc lập đã tăng, song phần lớn người dân vẫn phản đối việc tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập trước khi Anh rời khỏi EU. Đây chắc chắn cũng sẽ là một quá trình kéo dài bởi cuộc trưng cầu dân ý trước đây của Scotland cần tới 5 năm để chuẩn bị.
Dù vậy, sức ép vẫn tiếp tục đè nặng lên London khi chính quyền các vùng lãnh thổ Scotland và xứ Wales vừa thông qua "các dự luật nối tiếp" để bảo đảm cơ quan lập pháp tại Edinburgh và Cardiff cũng có quyền hạn trong đàm phán với EU về giai đoạn hậu Brexit, thay vì chỉ tập trung vào Quốc hội Anh, đồng thời cáo buộc Chính phủ Anh cố tình thâu tóm quyền lực. Người phụ trách vấn đề Brexit của Scotland Michael Russell cho rằng, dự luật nói trên là một phần quan trọng và thiết yếu trong hệ thống pháp lý chuẩn bị cho các đạo luật của Scotland về Brexit, trong khi vẫn bảo vệ được quyền lực của cơ quan lập pháp Scotland do người dân bầu chọn. Trong khi đó, chủ trương của chính quyền Thủ tướng Anh Theresa May là trước tiên London sẽ nắm mọi quyền hạn sau Brexit để tránh trường hợp các vùng lãnh thổ có những quy định khác nhau, có thể gây rối loạn hoạt động trao đổi thương mại trong nước.
Giới phân tích cho rằng, sở dĩ người dân Scotland bỏ phiếu lựa chọn ở lại Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 chủ yếu bởi lý do kinh tế. Tuy nhiên, Brexit diễn ra khiến sự lựa chọn trở nên phức tạp hơn và kinh tế Scotland được cho là bị ảnh hưởng rất lớn từ sự kiện này, bởi vậy kết quả một cuộc trưng cầu dân ý cũng trở nên khó đoán hơn. Sự ra đi của Scotland sau hơn 300 năm nằm trong Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland chắc chắn sẽ là cú giáng mạnh vào cả kinh tế, chính trị và vị thế của Anh.
Dù đây không phải là một kịch bản sẽ xảy ra trong tương lai gần, nhưng những động thái từ chính quyền và người dân Scotland sẽ có tác động rất lớn trong bối cảnh Chính phủ Anh đang cần tập trung cao độ cho các cuộc đàm phán quan trọng của tiến trình Brexit vốn đã nhiều trắc trở.