Một năm cầm quyền của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Thế giới - Ngày đăng : 10:29, 08/05/2018
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters |
Theo Washington Post, cả những người phản đối và ủng hộ đều đồng tình rằng nước Pháp dưới thời Tổng thống Macron đã có sự chuyển biến tích cực. Chính trị gia 39 tuổi đã không mất nhiều thời gian để thay đổi các quy tắc lao động nghiêm ngặt và nâng cao hình ảnh nước Pháp trên trường quốc tế.
Kể từ khi nhậm chức, ông Macron nổi lên như một người phát ngôn dẫn dắt của Châu Âu, bước qua hoài nghi về một nhà lãnh đạo trẻ mới bước chân vào lĩnh vực chính trị. Ông đã có các tiếp xúc, gặp gỡ cấp cao với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Versailles trong bối cảnh Nga đang bị các nước phương Tây cô lập vì vấn đề Ukraine. Đặc biệt, ông đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump mời dự quốc yến tại Washington hồi cuối tháng trước.
Ông Macron từng khẳng định: “Chúng ta có thể lựa chọn chủ nghĩa biệt lập, rút lui hay chủ nghĩa dân tộc. Song việc đóng lại cánh cửa của đất nước sẽ không ngăn cản được sự thay đổi và phát triển của thế giới”.
Hồi cuối tháng trước, ông Macron đã thể hiện khả năng đưa ra những quyết định quân sự cứng rắn sau khi chỉ thị cuộc không kích cùng Mỹ và Anh nhằm vào các khu vực nghi là cơ sở vũ khí hóa học của Syria.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Macron cũng giành được sự hưởng ứng của người dân khắp thế giới bằng tuyên ngôn về môi trường “hãy khiến hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại” nhằm đáp trả lại quyết định rút lui khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, tại quê nhà, những quyết định của ông chủ Điện Elysee không nhận được sự ủng hộ của người dân. Những người phản đối coi ông Macron là một nhà lãnh đạo chuyên quyền, “tổng thống của người giàu” sau khi quyết định cắt giảm thuế cho người giàu có.
Hôm 5-5 vừa qua, hàng chục ngàn người đã tham gia tuần hành biểu tình quanh quảng trường Bastille nhằm phản đối chính sách cải cách kinh tế của ông Macron. Một số người lo ngại rằng ông Macron đang thay đổi nước Pháp theo hướng giống Mỹ - tập trung vào lợi nhuận.
Vào mùa thu này, chính quyền Tổng thống Macron cũng bắt đầu xúc tiến kế hoạch áp thêm thuế đối với nhóm người thất nghiệp, áp dụng một hệ thống giáo dục đại học mới và đề ra luật lệ nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề nhập cư, những điều này đều không nhận được sự ủng hộ của người dân.
Trên thực tế, kể từ cuối năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã giảm từ 10% xuống 8,9%. Mức tăng trưởng năm 2018 dự kiến sẽ đạt 2% trong tổng sản phẩm quốc nội - con số cao nhất trong vòng 7 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát của Pháp ở dưới mức giới hạn 3% của Liên minh Châu Âu - lần đầu tiên trong một thập kỷ qua.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Pháp sau một năm giữ chức Tổng thống, ông Macron khẳng định không quan tâm đến áp lực “trên đường phố”. "Tôi muốn chúng ta thành công trên lĩnh vực kinh tế để có thể thực thi được những chính sách xã hội thực sự”, ông Macron phản ứng với những e ngại cho rằng Pháp đang dần mất đi hệ thống phúc lợi to lớn.