Thước đo là sự hài lòng của doanh nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 08/05/2018

(HNM) - Mặc dù nỗ lực cải cách hành chính của lĩnh vực thuế, hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, song vẫn còn nhiều


Những chuyển biến tích cực

Kết quả giám sát do 6 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp thực hiện trong 3 năm (2014-2017) đã cho thấy những chuyển biến tích cực. Các đơn vị khảo sát, điều tra xã hội học với gần 100 hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã và 11 tỉnh, thành phố, đã tổ chức 3 đoàn giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Trong 3 năm qua, cục thuế, hải quan các tỉnh, thành phố đã chủ động đổi mới, nỗ lực thực hiện tối đa những mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đặc biệt, các đơn vị đã xác định được tôn chỉ: “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành”. Qua đó, các đơn vị đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Thuế, Hải quan đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, ngành Thuế, Hải quan đã chú trọng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thuận tiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đánh giá cao việc cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét, thời gian qua Bộ Tài chính đã mời các hiệp hội doanh nghiệp đến cùng rà soát từng văn bản để góp ý sửa đổi, bổ sung nhằm kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ cũng đề nghị cấp thẩm quyền tổ chức các đoàn giám sát, nhằm thu thập những thông tin có độ chính xác cao, phản ánh đúng những mong muốn của doanh nghiệp.

Vẫn còn "lỗ hổng"

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ năm 2011 đến năm 2015, Bộ Tài chính đã rà soát, cắt giảm 248 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 962 thủ tục. Trong đó, lĩnh vực thuế cắt giảm 147 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 526 thủ tục; lĩnh vực hải quan cắt giảm 42 thủ tục, đơn giản 298 thủ tục. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính cắt giảm 174 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 898 thủ tục. Trong đó, lĩnh vực thuế cắt giảm 97 thủ tục, đơn giản hóa 308 thủ tục; lĩnh vực hải quan cắt giảm 42 thủ tục và đơn giản hóa 181 thủ tục... Nhờ đó, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tại Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2017 đã tăng 11 bậc và năm 2018 tăng 81 bậc, đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN.

Tuy vậy, vẫn còn những "lỗ hổng" lớn về chính sách, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm thất thu ngân sách...

Thời gian tới, trên cơ sở chương trình phối hợp, Mặt trận Tổ quốc sẽ xây dựng kế hoạch, lựa chọn những nội dung, chủ đề giám sát và đổi mới phương pháp, rà soát đánh giá các lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, tập trung vào các nội dung về đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế và gian lận thương mại,… Mặt trận Tổ quốc sẽ chủ trì giám sát 3 - 5 tỉnh, thành phố; lựa chọn những “điểm nóng”, nhiều vấn đề được dư luận xã hội, doanh nghiệp và người dân quan tâm.

Được biết, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 50,8% thủ tục hành chính còn lại, nỗ lực hoàn thiện cải cách về thể chế, chính sách và cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ sẽ rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan thuế, hải quan, đẩy mạnh phổ biến pháp luật trong lĩnh vực này và nâng cao hiệu quả phối hợp để tăng cường cơ chế giám sát, phản biện, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Đức Anh