Cảnh giác với bệnh viêm não mô cầu

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:56, 09/05/2018

(HNM) - Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 4 tháng đầu năm 2018, cả nước đã ghi nhận 10 trường hợp mắc viêm màng não mô cầu. Tới đầu tháng 5-2018, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân người dân tộc Mông trong tình trạng nguy kịch, khó qua khỏi do nhiễm viêm não mô cầu.


Dễ chẩn đoán nhầm

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) cho biết, tính đến 14h ngày 8-5, bệnh nhân nữ Hảng Thị D. (24 tuổi, dân tộc Mông, trú tại tỉnh Yên Bái) bị viêm não mô cầu vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, mất phản xạ, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân này có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy, hôn mê… vào ngày 2-5. Đến ngày 3-5, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân D. bị viêm não mô cầu và cho chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho phép khẳng định bệnh nhân D. bị viêm màng não mủ do viêm não mô cầu, dẫn đến tình trạng phù não vô cùng trầm trọng.

Bệnh viêm não mô cầu tuy nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc xin.


Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 cũng tiếp nhận hai trường hợp mắc viêm não mô cầu, đó là một nữ sinh 15 tuổi (ở huyện Ba Vì) và một bệnh nhi 14 tháng tuổi (ở huyện Đông Anh). Đây là hai trường hợp mắc viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2018 trên địa bàn Hà Nội. Còn từ đầu năm đến nay, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã điều trị cho một thanh niên 30 tuổi (ở TP Hưng Yên) được chẩn đoán viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở giới trẻ và thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...) nên có khả năng gây thành dịch. Sau khi vi khuẩn não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể, thời gian ủ bệnh từ 1 đến 10 ngày, trung bình 5-7 ngày. Bệnh có biểu hiện rất đa dạng với nhiều thể như: Viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, tổn thương ở nhiều cơ quan. Trong lâm sàng thường hay gặp hai thể bệnh là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt, ở thể nhiễm khuẩn huyết tối cấp, tỷ lệ tử vong rất cao (lên tới 60-70%). Ở thể viêm màng não mủ, tỷ lệ tử vong là 30-40% nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, còn có các thể bệnh khác, gồm: Viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm phổi, viêm nắp thanh quản tối cấp...

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 90 đến hơn 100 người mắc viêm não mô cầu, tỷ lệ tử vong khoảng 15%-20%. Ngoài ra, bệnh có thể để lại di chứng nặng nề (chậm phát triển, điếc, liệt…). Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đây là loại bệnh không thường gặp nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh sốt xuất huyết do biểu hiện bệnh có những dấu hiệu tương tự như xuất huyết dưới da, đau đầu, cứng gáy, sốt... Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, não mô cầu chuyển nặng rất nhanh và có thể gây tử vong. “Mảng xuất huyết dưới da ở bệnh nhân viêm não mô cầu có hình sao - dấu hiệu phân biệt với sốt xuất huyết. Bệnh nhân có dấu hiệu này cần được đưa ngay đến bệnh viện”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.

Phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin

Chiều 8-5, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, bệnh viêm não mô cầu tuy nguy hiểm nhưng có thể dự phòng bằng cách tiêm vắc xin. Hiện nay, có hai loại vắc xin phòng ngừa viêm não mô cầu là AC của Pháp và BC của Cuba. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đang triển khai tiêm vắc xin AC, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, cùng với việc đưa con em mình đi tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin hiện có, mỗi gia đình cần thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, bảo đảm vệ sinh ăn uống, sử dụng các loại thực phẩm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết… Đó là cách phòng tránh hiệu quả không chỉ bệnh viêm não mô cầu mà còn cả các loại bệnh dễ phát sinh trong mùa hè.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, cần tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh; khi tiếp xúc với người bệnh, cần phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Những người ở khu vực xung quanh nơi có dịch bệnh lưu hành hay những người tiếp xúc gần với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường. Điều quan trọng là bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cách ly để tránh lây lan dịch.

Vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu gồm có 4 nhóm chính là A, B, C và D. Vắc xin viêm não mô cầu AC - phòng ngừa bệnh não mô cầu do týp A và týp C gây ra. Trẻ từ 2 tuổi trở lên (hoặc trẻ trên 6 tháng tuổi đã có tiếp xúc với người bệnh) cần được tiêm mũi đầu tiên; sau 3-5 năm cần tiêm nhắc lại. Với vắc xin viêm não mô cầu BC - phòng ngừa bệnh não mô cầu do týp B và týp C: Tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở lên. Bé cần tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi tiêm đầu 6-8 tuần.

Thu Trang