Xét xử phúc thẩm vụ án tại PVC: Triệu tập đại diện Văn phòng PVN để làm rõ việc chuyển, nhận các văn bản

Pháp luật - Ngày đăng : 22:15, 09/05/2018

Chiều 9-5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC.

Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN trả lời trước Hội đồng xét xử. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN


Tòa đã triệu tập đại diện Văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để làm rõ việc chuyển, nhận các văn bản liên quan đến vụ án.

Để làm rõ nhiều nội dung trong lời khai của các bị cáo về việc "không nhận được" các văn bản, báo cáo liên quan đến chỉ đạo ký thầu, tạm ứng tiền, Hội đồng xét xử đã triệu tập ông Hồ Công Kỳ, nguyên Chánh Văn phòng PVN vào thời điểm xảy ra vụ án và Chánh Văn phòng hiện nay là ông Khương Văn Đạt (trước đó là Phó Chánh Văn phòng) vào phiên chiều 9-5.

Khi Chủ tọa hỏi ai là người xử lý các văn bản gửi đến Tổng Giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn PVN, ông Hồ Công Kỳ cho biết mình phân công ông Khương Văn Đạt, khi đó là Phó Chánh Văn phòng trực tiếp phụ trách công việc phân phối văn thư lưu trữ. Ông Kỳ cho biết thêm, về nguyên tắc, hệ thống quản lý điện tử, những công văn cụ thể đều được lưu trữ hết sức cẩn trọng. Việc chuyển văn bản cho ai, đến ai xử lý hoàn toàn thực hiện theo phân công nhiệm vụ trong Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc.

Trả lời câu hỏi của Chủ tọa, ông Khương Văn Đạt cho biết, các văn bản được chuyển theo chức năng nhiệm vụ của do Ban Giám đốc PVN phân công và khẳng định rằng "không nhất thiết văn bản nào cũng phải chuyển cho Tổng Giám đốc" mà có thể chuyển thẳng cho các Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực liên quan.

Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN trả lời trước Hội đồng xét xử. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN


Trước đó, bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN khai tại tòa rằng: Với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thực đã phân công cho Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh chủ trì chính, giao Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn phụ trách về tài chính. Với nhiệm vụ được phân công, các Phó Tổng Giám đốc được phép sử dụng ủy quyền của Tổng Giám đốc để giải quyết tất cả các công việc liên quan, chủ động hoàn toàn, chỉ phải báo cáo Tổng Giám đốc khi có sự việc phức tạp vướng mắc. Bên cạnh đó, vào thời điểm năm 2011, với khối lượng công việc hàng nghìn văn bản/ngày, thì theo quy chế văn thư của PVN, Văn phòng được chuyển trực tiếp đến các Phó Tổng Giám đốc các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách để trực tiếp xử lý.

Trước đó, bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2) cho rằng: Bị cáo đã có công văn gửi cho tất cả các thành viên trong Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc báo cáo về vướng mắc trong Hợp đồng EPC số 33, phản đối chuyển tiền khi thấy tình hình phức tạp. Trước khi có văn bản này, bị cáo đã gửi nhiều văn bản khác báo cáo về cảnh báo Hợp đồng 33 không đủ điều kiện, việc tạm ứng cũng không đủ điều kiện, đã trình bày bằng văn bản với lãnh đạo tập đoàn đề nghị hủy Hợp đồng 33.

Bị cáo Chương cho biết thêm, sau những lần gửi văn bản phản đối như vậy không có phản hồi, bị cáo đã phải gửi văn bản đóng dấu mật tới đích danh Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực để trình bày.

Tuy nhiên, bị cáo Phùng Đình Thực khẳng định không nhận được các văn bản. Còn bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, các văn bản của PVC, PVPower bị cáo nhận được thì đều có bút phê.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu Văn phòng PVN trích xuất 4 văn bản liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 để kiểm tra việc các văn bản đã được chuyển đến bị cáo Phùng Đình Thực hay chưa.

Cũng tại diễn biến phiên tòa, Chủ tọa đặt câu hỏi liên quan việc nguyên Tổng Giám đốc PVPower Vũ Huy Quang khai rằng tại cuộc họp 31-3-2011 đã báo cáo Hội đồng Quản trị về nội dung Hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ pháp lý, phải ký lại.

Trả lời Chủ tọa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng Vũ Huy Quang khai thế là không chính xác, cuộc họp có rất nhiều người và chứng kiến Vũ Huy Quang có báo cáo hay không.

Trước câu hỏi của Luật sư cũng về nội dung này, các bị cáo khác cùng tham gia cuộc họp trên như Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng PVN), Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) cũng đều xác nhận là không nghe thấy ông Quang báo cáo việc Hợp đồng EPC số 33 không đủ căn cứ pháp lý, phải ký lại.

Từ đó, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử yêu cầu ông Quang trình bày bằng chứng về nội dung đã trình bày tại cuộc họp ngày  31-3-2011 của Hội đồng Quản trị PVN

Ngày mai (10-5), Tòa tiếp tục phần xét hỏi. 

Theo Baotintuc