Nhận rõ hạn chế trong phòng, chống thiên tai
Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 09/05/2018
Công trình chống sạt lở đê hữu Đáy, đoạn xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) sẽ được bàn giao trước mùa mưa bão 2018. |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2018, thời tiết tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường theo chiều hướng ngày càng cực đoan. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đang tập trung tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Theo đánh giá của các địa phương, ngoài yếu tố bất thường của thời tiết, công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2017 còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập: Chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống đê điều, thủy lợi chưa đủ năng lực chống chọi với lũ lớn, dài ngày… Đặc biệt, một số địa phương còn chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng nêu rõ: Năm 2017, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho huyện có nguyên nhân từ sự chủ quan của con người. Bước vào mùa mưa nhưng một số trạm bơm chống úng trên địa bàn huyện không thể hoạt động vì hỏng hóc thiết bị, đang trong thời kỳ duy tu, bảo dưỡng hoặc không có điện. Kiểm tra phương án phòng, chống thiên tai, có những xã vẫn còn để tên thành viên ban chỉ huy đã nghỉ hưu...
Đánh giá công tác phòng, chống thiên tai năm 2017 trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng thẳng thắn thừa nhận có sự hạn chế trong công tác tuyên truyền pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Mặc dù huyện đã chỉ đạo quyết liệt nhưng một số địa phương vẫn để xảy ra các hành vi xâm hại công trình đê điều, thủy lợi và chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Để giải quyết tốt hơn những hạn chế nêu trên, đến nay, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã ban hành nghị quyết, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn kiện toàn bộ máy ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công cụ thể trách nhiệm từng thành viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn; vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống thiên tai tại gia đình mình và tích cực tham gia công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của địa phương; tập trung xử lý các vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, không để phát sinh vi phạm mới…
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng đề nghị các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra công trình, bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ…