Tăng cường vai trò của các quận ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP
Đời sống - Ngày đăng : 12:39, 09/05/2018
Tham gia tọa đàm, dự kiến ngoài lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý trung ương... còn có đại diện nhiều địa phương sở, ban, ngành thành phố cũng như một số doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.
Tọa đàm trực tuyến "Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm" do Báo Hànộimới tổ chức vào tháng 8-2017. |
Tại tọa đàm, đại diện Sở Y tế Hà Nội sẽ thông tin về tình hình quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, 5 năm gần đây, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2017, Hà Nội đã tổ chức phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo đảm ATTP cho gần 70 nghìn người là chủ cơ sở, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và gần 40 nghìn người là cán bộ ban chỉ đạo và mạng lưới ATTP, tăng 2,6 lần so với 5 năm trước. Gần 140 nghìn cơ sở đã ký cam kết về ATTP, tăng hơn 8 lần so với 5 năm trước. Cơ quan chức năng đã thanh kiểm tra hơn 111 nghìn cơ sở; phát hiện và xử lý hơn 26 nghìn cơ sở vi phạm các quy định về ATTP. Đặc biệt, hơn 7 nghìn cơ sở vi phạm bị phạt, tổng số tiền phạt trong lĩnh vực ATTP là hơn 38 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước những thách thức lớn mà công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP đang phải đối mặt, để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về ATTP, các đại biểu tham gia tọa đàm sẽ làm rõ đến vai trò quan trọng của các quận uỷ, cấp ủy Đảng trong chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát tại lĩnh vực này.
Việc tổ chức tọa đàm trực tuyến trên Báo Hànộimới trong khuôn khổ Tháng hành động vì An toàn thực phẩm là hoạt động nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc...; mặt khác, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.
Trong phần lớn thời gian của tọa đàm, độc giả của Báo Hànộimới điện tử sẽ theo dõi các thông tin chia sẻ từ lãnh đạo các địa phương về các giải pháp phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội trong tuyên truyền, giám sát, đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP cũng như những khó khăn, vướng mắc hiện nay khi huy động các lực lượng này tham gia vào công tác quản lý vệ sinh ATTP.
Một số vấn đề cụ thể sẽ được đề cập đến tại tọa đàm, như các biện pháp quản lý trong kinh doanh, sản xuất rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; quản lý nguồn thực phẩm tại một số chợ đầu mối trên địa bàn thành phố; bảo đảm vệ sinh ATTP tại các bếp ăn của trường học...
Ngoài ra, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương sẽ chia sẻ kinh nghiệm sau thời gian triển khai thí điểm mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm”, các tuyến phố ẩm thực thu hút nhiều du khách nước ngoài, kết quả sau gần một năm thành phố triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”...
Toàn bộ nội dung cuộc tọa đàm sẽ được Báo Hànộimới điện tử tường thuật trực tiếp và phản ánh qua bài viết, hình ảnh trên Báo Hànộimới hằng ngày số ra ngày 11-5-2018.