Xây dựng chuỗi giá trị nông sản: Thiếu doanh nghiệp đủ tiềm lực

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 09/05/2018

(HNM) - Hiện nay, cả nước đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông sản để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, các chuỗi hoạt động chưa mang lại hiệu quả do thiếu doanh nghiệp có đủ tiềm lực đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân.


Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, nhưng chỉ có 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả. Nguyên nhân do trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chưa tìm kiếm được doanh nghiệp làm đầu tàu, đồng hành cùng nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất và xây dựng kế hoạch, kiểm soát lẫn nhau khi hợp tác với doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn tới tình trạng phá vỡ hợp đồng. Trong khi, năng lực của cán bộ nông nghiệp làm ở cấp xã, huyện, tỉnh hạn chế trong việc hỗ trợ người dân xây dựng các liên kết dọc và ngang, tìm kiếm, phân tích thị trường. Các chính sách hỗ trợ cũng còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý khi triển khai xuống cơ sở. Ngoài ra, do chi phí sản xuất nông nghiệp khá cao với giá cả biến động, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khiến cho các mặt hàng nông sản sạch khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các chuỗi giá trị nông sản an toàn đang gặp khó khăn do thiếu doanh nghiệp đầu mối của chuỗi đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế, đóng gói thành phẩm cung cấp mặt hàng vào siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể. Các doanh nghiệp thiếu kho chứa bảo đảm tiêu chuẩn, vận chuyển và đóng gói kém, giao dịch quá nhiều qua khâu trung gian, nên lợi nhuận thấp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh cho biết, hiện nay có nhiều bất cập trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn do khách hàng còn hoài nghi sản phẩm, trong khi đó sản phẩm của doanh nghiệp tốt nhưng khách hàng chưa tin tưởng; quy trình sản xuất chuẩn nhưng người tiêu dùng chưa biết đến dẫn tới cung - cầu không gặp nhau.

Mục tiêu của phát triển chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam là nhằm cải thiện tiếp cận thị trường, giảm tình trạng giải cứu nông sản. Đồng thời, gia tăng giá trị của từng giai đoạn từ sản xuất, chế biến thực phẩm, kho bãi, vận chuyển, phân phối đến bán lẻ nông sản và thực phẩm. Do vậy, để tháo gỡ cho chuỗi cung ứng nông sản an toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Lina Network Vũ Trường Ca cho rằng, cần phải minh bạch hóa chuỗi cung ứng thông qua sử dụng công nghệ 4.0. Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, bao bì tem nhãn sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết.

Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, cần cải cách hiệp hội ngành hàng, nhất là các hợp tác xã để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh trong chuỗi. Nhà nước đứng ra làm khâu trung gian trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản an toàn. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ, đào tạo nông dân về kiến thức, thực thi trong sản xuất nông nghiệp sạch; tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình sản xuất. Còn chính quyền địa phương nên ưu tiên phát triển nông nghiệp ở những vùng đã được quy hoạch với diện tích lớn để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Ngọc Quỳnh