Nghề kim hoàn Định Công

Xã hội - Ngày đăng : 07:28, 10/05/2018

(HNMO) - Nằm bên bờ sông Tô Lịch, làng nghề kim hoàn Định Công từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội với những sản phẩm đậu bạc nổi tiếng khắp kinh thành.

Hà Nội có nghề kim hoàn

Theo truyền thuyết xưa kể lại, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI), ở làng Định Công có ba anh em ruột họ Trần là Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa, nhờ có bàn tay khéo léo, lại thêm đức tính cần cù, chịu khó đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng lấy tên là “kim hoàn”. Những đồ vàng bạc do ba anh em làm ra rất tinh xảo, tiếng đồn khắp trong nước. Ba người dạy cho dân làng cùng làm nghề và từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc, truyền từ đời này qua đời khác, được khắp nơi biết tiếng.

Sản phẩm kim hoàn của nghệ nhân kim hoàn làng Định Công.


Ngày xưa có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, nghề đậu bạc ở Định Công trở thành một trong bốn nghề tinh hoa nhất Kinh thành Thăng Long. Với lịch sử lâu đời, tồn tại khoảng 1.500 năm, nghề đậu bạc Định Công có những nét đẹp riêng, mang tính độc đáo so với các làng nghề khác như ở Châu Khê (Hải Dương) hay Đồng Xâm (Thái Bình).

Trước năm 1945 và giai đoạn 1945-1954 được coi là thời hoàng kim nhất của làng nghề kim hoàn ở Định Công, hầu như các gia đình trong làng đều có người theo nghề. Các sản phẩm trang sức vàng, bạc là niềm tự hào của người dân trong làng, là món đồ trang sức có tính thẩm mỹ cao của người Tràng An lúc bấy giờ.

Sau năm 1954, nghề đậu bạc gặp khó khăn do Nhà nước quản lý chặt vàng bạc. Đến năm 1972, khi hợp tác xã giải thể, nghề này ở Định Công gần như biến mất hoàn toàn.

Hiện nay, làng Định Công xây dựng đền thờ tổ làng nghề kim hoàn.


Cơ duyên để vực dậy lại làng nghề đến với nghệ nhân Quách Văn Trường một cách hoàn toàn tự nhiên. Ông Quách Văn Trường năm nay đã gần 80 tuổi, xuất thân trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề đậu bạc ở làng Định Công nên từ bé ông đã được tiếp xúc với nghề kim hoàn và nó như một dòng máu chảy trong người từ bao giờ không hay.

Ông kể về cơ duyên ấy là vào thời điểm năm 1983 khi một Festival quốc tế ở Nga biết đến nghề thủ công mỹ nghệ ở Định Công nên đã đặt làm sản phẩm hoa bướm đậu bằng đồng cài ve áo để làm quà lưu niệm. Nặng lòng với nghề, dẫu biết còn nhiều khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm khôi phục nghề. Ông Trường đã cùng với nhiều thợ giỏi trong làng cùng nhau vừa sản xuất vừa dạy nghề. Trong vòng hai năm diễn ra festival, nhiều gia đình quay trở lại sống với nghề truyền thống.

Trăn trở người giữ lửa

Đã từng là làng nghề nổi tiếng nhất Hà Nội nhưng đến nay, ở làng Định Công chỉ còn hai gia đình nghệ nhân tiếp tục nghề truyền thống theo tính “cha truyền con nối”, đó là gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường cùng con trai là Quách Tuấn Anh và nghệ nhân Quách Văn Hiểu cùng con trai là Quách Tuấn Tú. Đây là khẳng định của nghệ sĩ Quách Văn Hiểu, Chủ tịch Hội kim hoàn Định Công.

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu.


Nếu như nghệ nhân Quách Văn Trường là người có công gây dựng lại nghề truyền thống thì nghệ nhân Quách Văn Hiểu là người quảng bá đưa hình ảnh nghề đậu bạc tới gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế. Các tác phẩm của ông tham gia triển lãm đạt được giải thưởng quan trọng tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2004 - lần đầu tiên làng nghề Định Công đoạt Huy chương Vàng với tác phẩm “Hộp tú cầu đậu bạc”.

Năm 2008, tác phẩm “Hộp quạt Xuân Hương” của nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một trong 6 tác phẩm đoạt giải thưởng ASEAN - tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ các nước trong khối ASEAN và là tác phẩm duy nhất của Việt Nam đạt giải. Đây cũng là tác phẩm đạt giải tại triển lãm ứng dụng kỹ thuật toàn quốc lần thứ 2 - năm 2009.

Với những đóng góp trong việc giữ gìn và duy trì nghề đậu bạc Định Công, ông Quách Văn Hiểu đã được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Tác phẩm "Hộp quạt Xuân Hương" của nghệ nhân Quách Văn Hiểu.


Nghệ nhân Quách Văn Hiểu - nay là Trưởng ban đào tạo dạy nghề Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý Việt Nam và là Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn phường Định Công chia sẻ: “Nghề đậu bạc là nghề thủ công không được nhiều người biết đến, không cạnh tranh được với nghề mỹ nghệ làm bằng máy móc. Nghề này đòi hỏi người thợ phải kiên trì, thường xuyên nâng cao tay nghề nên hiện giờ nhiều người trẻ không mấy mặn mà với nghề. Việc thiếu thợ làm nghề hiện là một trong những khó khăn nhất của làng nghề Định Công, bởi lẽ để đào tạo được một người nghệ nhân giỏi có thể mất khoảng 10 năm”.

Ông Hiểu cho biết, hiện nay Hội kim hoàn phường Định Công đã mở lớp đào tạo nghề kim hoàn nhưng thực tế khi kết thúc các lớp học thì chỉ có khoảng 1/3 trong số các học viên có thể trụ được lại với nghề bằng nhiều cách khác nhau như đi làm thuê hoặc mở cửa hàng riêng. Năm 2005, UBND quận Hoàng Mai phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức lớp dạy nghề miễn phí cho 30 học viên trong vòng 3 tháng, nhưng thời gian đó lại quá ngắn để đào tạo một thợ lành nghề.

Theo ông Quách Văn Hiểu, người thợ kim hoàn ở làng Định Công khi chế tác các sản phẩm vàng bạc tinh xảo luôn thực hiện 3 khâu chuyên môn, kỹ thuật quan trọng của nghề là: Chạm, đậu và trơn. Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, họa tiết trên mặt các đồ trang sức hay các đồ bằng vàng, bạc... Thứ hai là đậu, tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ rồi chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức. Cuối cùng là trơn, tức là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, trơn.

Những sản phẩm kim hoàn của người thợ làng Định Công ngày càng nhiều mẫu mã phong phú và sắc nét trong chạm trổ.


Nghệ nhân Quách Văn Trường trăn trở: “Tôi mong muốn có được nơi trưng bày, quảng bá nghề kim hoàn Định Công và một trung tâm để đào tạo nghề, để các bạn trẻ nhìn thấy được tương lai của nghề. Trước đây chỉ truyền nghề cho người dân làng Định Công để giữ nghề nhưng bây giờ tôi sẵn sàng dạy cho tất cả những ai yêu nghề, có tài”.

Tại “Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim Hoàn 2018” diễn ra vào dịp cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức, nhiều hoạt động trình diễn của các làng nghề kim hoàn truyền thống như làng nghề kim hoàn Châu Khê - Hải Dương, làng nghề đậu bạc Định Công - Hà Nội, nghề chạm bạc Đồng Xâm - Thái Bình, làng nghề đúc đồng Đại Bái - Bắc Ninh, nghề dát vàng Kiêu Kỵ - Gia Lâm...

Các nghệ nhân của làng nghề kim hoàn Định Công đã có dịp “khoe” với công chúng những sản phẩm sáng tạo sắc nét mang văn hóa của người Tràng An. Trong số đó phải kế đến những tác phẩm nổi tiếng của nghệ nhân Quách Văn Trường như “Dầu khí Vũng Tàu”, “Khuê Văn Các”, “Trâu vàng Kim Ngưu”, “Tháp Rùa”,...

Trải qua giai đoạn thăng trầm cùng với lịch sử, nghề đậu bạc ở Định Công vẫn là một nét đẹp độc đáo trong bức tranh muôn màu của các làng nghề Hà Nội. Trước đây, các sản phẩm đậu bạc thường chỉ là những chiếc nhẫn, khuyên tai, lắc tay, lắc chân,.. thì sau khi khôi phục, phục vụ nhu cầu thị trường, các sản phẩm đậu bạc được sản xuất đa dạng hơn như những chiếc hộp, quạt, bát, đĩa với đầy đủ các kích thước hay hình dạng tròn, vuông.

Hội kim hoàn làng Định Công đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường và nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn ở trong và ngoài nước. Đó là những tín hiệu vui của làng nghề kim hoàn nổi tiếng của Hà Nội.

Dù còn nhiều khó khăn trong việc đào tạo nghề và truyền nghề cho lớp trẻ, nhưng với tâm huyết của những nghệ nhân lớn tuổi và hơn hết là những dấu hiệu vui của thị trường, những người thợ kim hoàn làng Định Công có nhiều hy vọng để tin tưởng vào tương lai phát triển, góp phần làm nên bức tranh đẹp về làng nghề truyền thống của Hà Nội.

Nguyễn Thu Hà