Đề án Cải cách chính sách tiền lương: Cần tiến hành đồng bộ, toàn diện
Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 10/05/2018
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH):
Phải có quyết tâm chính trị cao
Việc cải cách chính sách tiền lương đáng lẽ phải làm từ sớm hơn vì có quá nhiều vấn đề cần thay đổi một cách toàn diện. Nhưng để đạt được điều đó phải có quyết tâm chính trị cao, cải cách một cách tổng thể, đầy đủ, không làm nửa vời.
Đề án Cải cách chính sách tiền lương lần này có nhiều điểm mới, trong đó tính lương quay về giá trị tuyệt đối: Một bảng lương sẽ được tính theo chức vụ, vị trí việc làm, ai làm chức vụ nào hưởng lương theo chức vụ đó, không tính theo thâm niên như hiện nay. Những người làm chuyên môn nghiệp vụ thì chỉ có 1 bảng lương, vẫn được nâng lương thường xuyên 3 năm một bậc đối với bậc đại học trở lên, 4-5 năm đối với chuyên gia…
Người lao động làm trong khối doanh nghiệp cũng được tính dựa theo năng suất, sản phẩm, công việc, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Việc thực hiện đề án chắc chắn sẽ có nhiều người lao động phải tự mình đào thải ra khỏi hệ thống việc làm vì năng lực kém...
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam:
Cải cách tiền lương phù hợp với đòi hỏi thực tế
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, cải cách chính sách tiền lương đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Song, phải thừa nhận, do năng suất lao động ở nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực, bộ máy hành chính cồng kềnh nên sự tăng lương chưa đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trên 50% người lao động có mức lương chỉ tạm đủ trang trải cuộc sống; 36% người lao động có mức lương không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu; chỉ 14% số người lao động có tích lũy. Với việc cải cách chính sách tiền lương lần này, tôi hoàn toàn ủng hộ việc tính toán theo xu hướng làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít; tách chính sách đối với những người có công, chính sách an sinh xã hội khỏi chính sách tiền lương.
Đặc biệt, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính cho bản thân người lao động và đủ để nuôi sống gia đình; bảo đảm mối tương quan cần thiết giữa khu vực nhà nước, tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.
Chị Nguyễn Thu Huyền (quận Ba Đình):
Cần một cuộc "cách mạng"
Yêu cầu cải cách tiền lương đã trở nên cấp bách, là một sự thay đổi có tính cách mạng chứ không chỉ là sự thay đổi nhỏ, từng bộ phận trong chính sách chế độ tiền lương. Mà muốn điều đó thực sự là cuộc "cách mạng" thì cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự tham gia của nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội. Việc cải cách tiền lương không chỉ có sự tham gia của các đơn vị chức năng như: Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động… như hiện nay mà rất cần sự đóng góp quyết liệt từ nhiều thành phần khác trong xã hội.
Song song với đó, cần cải cách về tổ chức, tuyển dụng, biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ công chức và viên chức, đặc biệt phải tăng cường kỷ cương phép nước, kỷ luật làm việc trong các tổ chức, đẩy mạnh khoán lương, khoán biên chế, tăng cường trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu tổ chức, đồng thời giao quyền tự chủ cho họ.
Bên cạnh đó, cần thu gọn bộ máy cán bộ, công chức quá cồng kềnh. Cải cách tiền lương cần lộ trình để làm sao ít nhất 10 năm chính sách tiền lương vẫn phát huy tác dụng và không bị lạc hậu, lỗi thời.