Toạ đàm trực tuyến “Vai trò của các quận ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2018"
Đời sống - Ngày đăng : 13:43, 10/05/2018
17:02 10/05/2018
Nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp uỷ Đảng, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Kết thúc buổi tọa đàm trực tuyến “Vai trò của các quận ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2018”, Phó TBT Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh cho biết: sau 3 giờ đồng hồ, tọa đàm diễn ra hết sức sôi nổi, hàng chục ý kiến hỏi đáp và phần phát biểu từ lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp, lãnh đạo các quận, huyện... đã giúp độc giả và các khách mời dự tọa đàm có được bức tranh khá tổng thể về vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn cả nước cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phó TBT Báo Hànộimới Lê Hoàng Anh phát biểu kết thúc tọa đàm. |
Qua toạ đàm này, một lần nữa cho thấy, an toàn, vệ sinh thực phẩm là vấn đề đã nóng, đang nóng và sẽ luôn nóng. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã có những tiến bộ nhất định, song công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập...
Lãnh đạo Hànộimới hy vọng, sau buổi toạ đàm này, bạn đọc sẽ có được những thông tin hữu ích, những kiến thức quan trọng về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tại toạ đàm này còn có sự tham gia của gần 20 cơ quan báo, đài của trung ương và Hà Nội sẽ góp phần cùng Báo Hànộimới đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, toạ đàm góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm.
17:02 10/05/2018
Thực hiện đúng vai trò sẽ thành công trong bảo đảm ATTP
Bạn đọc Vũ Nga (phố Cầu Trì, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đặt câu hỏi: "Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch hiện gặp những thuận lợi và khó khăn gì? Nhà nước có những chính sách hỗ trợ gì đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này?".
Đồng chí Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế. |
Trao đổi với độc giả, đồng chí Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, ngộ độc thực phẩm là hậu quả của sử dụng thực phẩm không an toàn. Số lượng người bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm trên 5.200 người. Trong đó, số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm trên dưới 30 người. Nguyên nhân chủ yếu từ các hoạt động thiếu an toàn của con người trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
"Thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng phát hiện sai phạm lại ít? Việc xử lý ATTP sao không mạnh tay hơn" - Nhiều người băn khoăn về những nội dung này. Muốn xử phạt các hành vi vi phạm vệ sinh ATTP thì phải định nghĩa được hành vi đó sai phạm như thế nào, áp vào điều khoản nào trong luật. có nhân chứng, vật chứng hay không? Riêng việc xử phạt phải căn cứ theo quy định, muốn phạt hơn cũng không được.
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, việc xử lý cảnh cáo nhắc nhở, phê bình, tạm dừng hoạt động, xử lý bằng phạt hành chính... là nhiều cách xử lý. Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi ra các quyết định xử lý là hết sức đắn đo giữa thẩm quyền của mình với hành vi vi phạm.
Qua việc chia sẻ về xây dựng tuyến phố "kiểm soát an toàn thực phẩm" tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, tôi thấy rất ấn tượng vì sự quyết tâm vào cuộc của các cấp uỷ đảng, quận uỷ. HĐND quận Thanh Xuân đã ra đề án, các tổ chức chính trị xã hội có phản biện. Nếu chúng ta đều có trách nhiệm theo đúng nghĩa, với từng vai trò, từ nhà sản xuất, nhà kinh doanh, người tiêu dùng, nhà quản lý.. thì sẽ thành công trong công tác bảo đảm ATTP.
16:56 10/05/2018
Giữ sự tin tưởng của khách hàng nhờ quy trình sản xuất bảo đảm
Bạn đọc Hoàng Thị Thủy (Tập thể Xưởng in Cầu Diễn) hỏi: “Hiện nay có rất nhiều thông tin thất thiệt về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trước tình hình này, doanh nghiệp làm thế nào để xử lý loại thông tin này nhằm trấn an người tiêu dùng đồng thời không gây thiệt hại cho mình?".
Ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến suất ăn Hoa Sữa. |
Ông Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH chế biến suất ăn Hoa Sữa cho biết: Là một doanh nghiệp kinh doanh, chúng tôi luôn đặt tôn chỉ bảo đảm chất lượng của sản phẩm lên hàng đầu. Để có một sản phẩm tốt, chất lượng, chúng tôi luôn chú trọng nguồn nguyên liệu: nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, được nuôi trồng ở nơi đúng quy trình, bảo đảm về đối tác cung cấp, chất lượng sản phẩm tươi, sạch khi nhập vào...
Sau khi có nguồn nguyên liệu tốt, chúng tôi có những yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, luôn kiểm tra chất lượng sản phẩm hoàn thành theo tiêu chuẩn 3 bước và đúng quy trình mà cơ quan, ban, ngành quản lý về VSATTP đã đưa ra. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng tới khâu cuối cùng là đóng gói, quy trình đầu ra của thực phẩm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên công ty để nâng cao trách nhiệm, ý thức trong các khâu sản xuất; tổ chức các cuộc giao lưu, học hỏi các doanh nghiệp khác để nâng cao chất lượng sản xuất...
Với quy trình bảo đảm như vậy, chúng tôi tin tưởng sẽ luôn sẽ giữ được tình cảm và sự tin tưởng của khách hàng.
16:47 10/05/2018
Một số cách đơn giản phân biệt thực phẩm an toàn
Bạn Khanh Tuệ (khanhtue@gmail.com) hỏi: Ông/bà có thể cho biết, làm thế nào bằng mắt thường có thể phân biệt được thực phẩm có chứa hóa chất độc hại hay không. Ví dụ, đậu phụ có chứa thạch cao, miến nhuộm màu, hoa quả ngâm, tẩm hóa chất?
Đồng chí Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý VSATTP TP Hà Nội giải đáp câu hỏi của bạn đọc. |
Đồng chí Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý VSATTP TP Hà Nội giải đáp: Có một số loại thực phẩm có thể dùng mắt thường và cảm quan để phân biệt an toàn hay có hóa chất. Ví dụ, có thể nhìn bằng mắt thường để phân biệt đậu phụ có thạch cao hay không. Đậu phụ an toàn có màu trắng ngà, mềm. Đậu phụ chứa thạch cao có màu trắng hơn và chắc cứng. Về cảm quan, đậu phụ phải có mùi thơm và vị ngậy của đậu nành. Đậu có thạch cao sẽ có vị hơi chát.
Đối với miến, phải có màu đặc trưng của bột dong riềng. Nếu miến nát, cứng thì người tiêu dùng không nên chọn. Hay như với giá đỗ, giá an toàn không có hóa chất độc hại màu hơi ngà, không quá mập, rễ dài. Giá có hóa chất rễ ngắn, trắng và mập hơn bình thường.
Nhìn chung, người tiêu dùng nên chọn thực phẩm ở các địa chỉ tin cậy, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng để bảo đảm chất lượng VSATTP.
16:47 10/05/2018
Chọn tuyến phố làm điểm nhấn góp phần phát triển kinh tế địa phương
Bạn đọc Trần Văn Nghĩa (thôn Lâm Hộ, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) hỏi: “Được biết mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” đã được quận Thanh Xuân triển khai thí điểm tại phường Thượng Đình từ tháng 12-2017. Để có thể triển khai thành công mô hình này, chính quyền địa phương đã vào cuộc như thế nào để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp, bảo đảm quyền lợi cũng như sự an toàn cho người tiêu dùng?".
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Bí thư thường trực Quận uỷ Thanh Xuân. |
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Bí thư thường trực Quận uỷ Thanh Xuân: Sự thành công của “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” là nhờ sự vào cuộc không chỉ của cấp uỷ mà của cả hệ thống chính trị. Ngay khi Quận uỷ Thanh Xuân ra nghị quyết và yêu cầu HĐND quận xây dựng đề án thực hiện công tác VSATTP, trong đó chọn điểm nhấn như tuyến phố ATTP để từ đó tạo ra sức lan toả, các cấp lãnh đạo của quận đã quyết định chọn tuyến phố Thượng Đình. Đây là tuyến phố ven sông Tô Lịch, đi qua địa bàn 6 phường: Thượng Đình, Hạ Đình, Kim Giang, Nhân Chính, Khương Trung, Khương Đình. Lãnh đạo quận quyết tâm, việc giữ gìn an toàn VSTP phải bảo đảm từ đầu vào cung cấp thực phẩm đến chế biến và tiêu dùng. Ngay khi chọn tuyến phố Thượng Đình, Sở Y tế đã xuống địa bàn để hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm với người sản xuất, kinh doanh. Sau đó, các đồng chí Phó chủ tịch quận, phường đã xuống tận nơi giải đáp thắc mắc cho các hộ kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức thành hành động của các chủ kinh doanh.
Tuyến phố Thượng Đình đi vào hoạt động từ tháng 12- 2017 và đến nay đã có 100% hộ kinh doanh đồng thuận thực hiện “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm”. Việc làm này đã góp phần phát triển kinh tế địa địa phương, người tiêu dùng và nhân dân cũng có địa chỉ an toàn để mua thực phẩm, bảo đảm sức khoẻ.
Từ những thành công bước đầu của mô hình thí điểm, quận Thanh Xuân phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi phường có 1-2 tuyến phố điểm.
16:27 10/05/2018
Giám sát nguồn thực phẩm nhập vào bếp ăn tập thể
Độc giả Nguyễn Vân Nga (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông): Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của cấp cơ sở, cụ thể các phường, xã, tổ dân phố, khu dân cư phải triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Hà Đông trả lời câu hỏi của độc giả. |
Về nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Hà Đông cho biết, trên địa bàn quận, số lượng bếp ăn tập thể phát triển tương đối nhanh, tại các cơ quan, đơn vị, trường học... Quận đã phân loại để có giải pháp phối hợp quản lý.
Tại các cơ sở cấp phường, xã, các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và phụ huynh để mọi người hiểu về ATTP, nhận biết các dạng thực phẩm, chế phẩm không an toàn. Các đoàn thể, khu dân cư sẵn sàng cùng tham gia giám sát, hỗ trợ các lực lượng của quận hỗ trợ không để thực phẩm không an toàn bày bán tại các khu vực trường học.
Trên địa bàn quận trong nhiều năm chưa xảy ra ngộ độc tại các bếp ăn tập thể nhưng không vì thế mà chủ quan. Việc kiểm tra, kiểm soát từ đầu vào, khâu chế biến được đặc biệt coi trọng, nhất là tại 103 bếp ăn tập thể tại các trường học.
Cụ thể, quận yêu cầu tại các trường phải có đại diện giám sát bếp ăn tập thể ngay từ nguồn thực phẩm nhập vào, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy trình; nguyên liệu sử dụng trong quá trình chế biến bảo đảm vệ sinh ATTP.
Trách nhiệm của UBND quận là tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra đột xuất để nhắc nhở, xử lý kịp thời các vi phạm được phát hiện.
Với các đơn vị sử dụng thực phẩm an toàn của các hợp tác xã sản xuất, chế biến rau củ quả trên địa bàn sẽ được quận trợ giá. Trong công tác đầu tư các trường học mới, quận bảo đảm đầu tư bếp hiện đại từ dụng cụ, thiết bị, tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp.
Với 209 cơ sở có bếp ăn dưới 50 suất do phường quản lý, với bếp ăn tự nấu phải bảo đảm đúng quy trình; bếp không tự nấu được phải có hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn bảo đảm uy tín, chất lượng.
16:22 10/05/2018
Quản lý bếp ăn tập thể theo 3 phân cấp
Bạn đọc Thùy Dương (ngõ 189, Hoàng Hoa Thám) hỏi: "Quận Ba Đình là nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính, do đó có nhiều bếp ăn tập thể. Vậy việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được thực hiện như thế nào?".
Đồng chí Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình trả lời độc giả. |
Đồng chí Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình trả lời: Quận Ba Đình là nơi tập trung nhiều cơ quan trung ương, quân đội… Nếu những năm trước bếp ăn tập thể không phát huy được hiệu quả thì trong giai đoạn hiện nay việc ăn tập thể là một nhu cầu của công nhân, viên chức, người lao động. Trên thực tế, Quận thực hiện việc quản lý các bếp ăn tập thể theo 3 phân cấp:
-Đối với bếp ăn tập thể được sự quan tâm đặc biệt của những nhà quản lý như bếp ăn trong những đơn vị trung ương, quân đội: Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được bảo đảm hoàn toàn.
-Đối với bếp ăn do các cơ quan, đơn vị theo hệ thống, đa phần những người đứng đầu đều có trách nhiệm quản lý, quan tâm. Cùng đó, người sử dụng bếp ăn tại phân cấp này cũng có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nhất định.
-Đối với bếp ăn các trường học, trường mẫu giáo: Việc bàn giao thực phẩm phải có sự giám sát của đại diện Ban phụ huynh, đại diện nhà trường trước khi đưa nguyên liệu thực phẩm vào chế biến.
Nhìn chung, tất cả các bếp ăn trên địa bàn phải thực hiện nghiêm túc các quy định: Ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn 24 giờ, khu vực bếp sắp xếp theo nguyên tắc một chiều, khu vực chế biến, bảo quản thực phẩm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định.
Quận Ba Đình cũng kiến nghị các phương tiện truyền thông công khai các cơ sở kinh doanh thực hiện tốt hoặc vi phạm nội quy về vệ sinh ATTP để người dân biết. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và nhận biết được kinh nghiệm phân biệt thực phẩm nào an toàn.
16:06 10/05/2018
Việc lấy mẫu đóng vai trò quan trọng để xác định cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có vi phạm hay không
Bạn đọc Nguyễn Thị Yên Trang (yentrang@gmail.com) hỏi: "Có một thực tế là, vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ đầu mối không chỉ liên quan đến các địa phương mà còn liên quan đến các ngành chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước của thành phố. Đề nghị đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho ý kiến về vấn đề này?".
Đồng chí Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội. |
Đồng chí Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội: Vấn đề quản lý chợ đầu mối có liên quan tới nhiều ngành. Do một khối lượng lớn thực phẩm được đưa về chợ đầu mối từ rất nhiều nơi nên vấn đề quản lý cũng gặp không ít khó khăn. Trong thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương đã có nhiều biện pháp phối hợp nhằm quản lý hoạt động của các chợ đầu mối tốt hơn.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong quá trình giám sát chợ đầu mối, việc lấy mẫu đóng vai trò quan trọng để kiểm tra xem cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có vi phạm hay không. Trong trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng hướng dẫn các cơ sở yếu kém có biện pháp khắc phục. Tại các chợ đầu mối đều phải có chốt kiểm dịch, việc kiểm tra vệ sinh thú y được tiến hành chặt chẽ. Thành phố cũng đã hướng dẫn các ban quản lý chợ và thông qua ban quản lý chợ để quản lý VSATTP.
Trước đây, theo phương thức quản lý cũ, Nhà nước đề ra các điều kiện sản xuất, kinh doanh, quy chuẩn chất lượng, ban hành quy trình sản xuất nhưng công tác kiểm soát rất vất vả. Hiện nay, phương thức quản lý chợ đã có nhiều thay đổi nhằm gia tăng hiệu quả quản lý. Các doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu lực lượng chức năng phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm.
15:59 10/05/2018
Không bảo đảm ATTP trong nhà trường là “tội ác”
Bạn đọc hỏi: Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quản lý bữa ăn ở các trường học như thế nào để bảo đảm vệ sinh ATTP tại nhà trường?
Đồng chí Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội. |
Đồng chí Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho biết, hiện nay, vấn đề vệ sinh ATTP đang rất được xã hội quan tâm, nhất là thời gian qua có nhiều vấn đề về mất an toàn thực phẩm gây xôn xao dư luận như: cà phê trộn pin, thực phẩm rau, thịt chưa an toàn... Theo đồng chí Phạm Xuân Tiến, một trong những lý do khiến những vụ việc này vẫn “nhức nhối” trong xã hội là việc xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe, khiến cho nhiều người vì lợi nhuận mà không nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm trong việc sản xuất, bán hàng.
Đồng chí Phạm Xuân Tiến cho biết, cách đây 3 năm, ngành GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề vệ sinh ATTP học đường. Nếu vấn đề vệ sinh ATTP không được quan tâm đúng thì đó là “tội ác”, bởi nó liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của từng học sinh. Hiện nay, các nhà trường có hai hình thức duy trì bếp ăn ở trường, đó là tự nấu hoặc kí hợp đồng thuê người ngoài. Dù ở hình thức nào thì nhà trường đều phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của học sinh.
Đến nay, có hơn 200 trường đã thực hiện thực đơn theo đề án của Sở GD-ĐT, đó là thực hiện 40 bữa ăn không trùng lặp để bảo đảm học sinh được thay đổi khẩu vị, không chán ăn. Trong đó, tuỳ từng khu vực sẽ có nhiều mức điều chỉnh bữa ăn khác nhau, ví dụ như khu vực quận Hoàn Kiếm, mỗi bữa trưa của học sinh khoảng 17 – 18 nghìn đồng/học sinh, trong khi ở các khu vực ngoại thành như Thạch Thất, Quốc Oai là 14 – 15 nghìn đồng/học sinh. Với mức tiền đó, các trường phải tính toán sao cho bảo đảm dưỡng chất cho các em.
Ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, để bảo đảm vệ sinh ATTP trong nhà trường, cần phải có sự chung tay và trách nhiệm từ nhà trường và gia đình. Việc giao nhận bữa ăn hay giao nhận thực phẩm cần có sự giám sát của đại diện cán bộ nhà trường, cán bộ y tế và cha mẹ học sinh.
15:46 10/05/2018
Toàn cảnh tọa đàm. |