Vì nông thôn đổi mới, đô thị văn minh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 10/05/2018
Diện mạo xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) - địa phương phấn đấu hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2018. |
Bài 1: “Sức dân” làm nông thôn mới
Một trong 5 nội dung trọng tâm của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (Cuộc vận động) được TP Hà Nội chú trọng thực hiện là xây dựng và nhân rộng các xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của MTTQ và các đoàn thể, nhà nhà góp sức giữ gìn vệ môi trường, làm đẹp thôn xóm, hiến đất làm đường, ủng hộ kinh phí xây dựng các công trình…, đưa Hà Nội trở thành điểm sáng, dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Đồng lòng chung sức
Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, UBND thành phố đã có Kế hoạch số 163/KH-UBND; các cấp ủy đã ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, thực hiện hiệu quả nội dung của Cuộc vận động. Thực tế cho thấy, từ chỉ đạo sát sao của thành phố và các địa phương, đã huy động được sự vào cuộc tích cực của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, từ năm 2016 đến hết tháng 3-2018, toàn thành phố đã huy động được hơn 25.093 tỷ đồng.
Trong đó, các địa phương đã vận động các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp được 2.248,9 tỷ đồng. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ 12 quận, với tổng kinh phí 228,5 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ trên, các huyện đã phát huy nội lực, vận động nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động bằng các hoạt động cụ thể, như: "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên" ở huyện Đan Phượng; trồng cây xanh và đường hoa ở huyện Phú Xuyên; đặt thùng thu gom rác thải trong khu dân cư và khu sản xuất ở huyện Mê Linh...
Bên cạnh đó, những nghĩa cử cao đẹp như của ông Nguyễn Tứ Hùng (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) - người tự nguyện ủng hộ hơn 2,1 tỷ đồng để cải tạo ao và làm đường giao thông của thôn đã lan tỏa trong cộng đồng, tạo thành phong trào mạnh mẽ. Chủ tịch UBND xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) Nguyễn Hữu Quy cho biết, sau nghĩa cử cao đẹp của ông Hùng đã có nhiều người dân làm theo, riêng năm 2017 địa phương đã huy động được gần 5,8 tỷ đồng vốn xã hội hóa để kè ao, làm cổng chào, các tuyến đường hoa, đường bích họa..., đưa cảnh quan của Tân Lập ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Trên toàn thành phố, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thực sự đi vào đời sống, khơi dậy tinh thần toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, công khai, dân chủ. Từ đây, tạo thành phong trào sôi nổi, cổ vũ, động viên, lan tỏa ra cộng đồng dân cư cùng đóng góp xây dựng quê hương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hà Nội.
Tiến tới “mốc” cao hơn
Đường giao thông nội đồng tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm đang được gấp rút xây dựng. Ảnh: Trọng Tùng |
Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 4 huyện và 294 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 76,2% số xã). Các xã đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới. Xây dựng nông thôn mới nâng cao (kiểu mẫu, điển hình) trở thành khái niệm mới, đang được các địa phương thực hiện nhằm tiến tới “cột mốc” cao hơn. Trong đó, huyện Đan Phượng (huyện nông thôn mới giai đoạn 2011-2015) đã có đề án nâng cao chất lượng tiêu chí đối với tất cả các xã theo bộ tiêu chí nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020.
Là một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội từ năm 2011, đến 2013, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo quy định của trung ương. Không bằng lòng với kết quả đạt được, địa phương này đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Công việc mà xã đang tập trung thực hiện là chỉnh trang hạ tầng nông thôn, như: Trồng hoa, cây xanh; vẽ tranh làm xanh, sạch, đẹp làng quê; đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; đầu tư vào sản xuất để tăng thu nhập cho nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, Song Phượng cùng với hai xã Đan Phượng và Liên Trung được huyện lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. “Thước đo” nông thôn mới kiểu mẫu của huyện được đánh giá trên các bình diện: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”.
Cụ thể, phát triển sản xuất (nhằm nâng cao đời sống), nhà có số (hàm ý xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khoa học, cải cách hành chính); hạ tầng kiên cố (hạ tầng xã hội được đầu tư); cán bộ nâng tầm (hệ thống chính trị vững mạnh); nhân dân đồng thuận (khối đại đoàn kết toàn dân bền chặt). Dự kiến, cuối năm nay, huyện sẽ đánh giá việc thí điểm tại 3 xã nói trên để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra toàn huyện.
Ngoài ra, thành phố đang tập trung chỉ đạo triển khai thí điểm xây dựng xã nông thôn mới điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).
Để thực hiện các mục tiêu trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã đề nghị các sở, ngành tham mưu để UBND thành phố sớm ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Công văn số 1345/BNN-VPĐP ngày 8-2-2018 về việc hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020).
Đồng thời, thành phố đề nghị các huyện, thị xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 đối với các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước nhằm đạt được “mốc” mới cao hơn.
(Còn nữa)