Người "trưởng môn" bắn nỏ thôn Víp

Thể thao - Ngày đăng : 06:08, 11/05/2018

(HNM) - “Tôi không nghĩ việc duy trì môn bắn nỏ ở thôn Víp nói riêng, xã Minh Quang nói chung là to tát. Mình thích và tự thấy có trách nhiệm thì làm thôi


Sinh ra đã thấy nỏ

Căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Chung nằm ở giữa thôn Víp. Để đến được nhà ông, phải vượt qua quãng đường đất, trải cát, lơ mơ là đổ xe ngay, nhất là vào ngày mưa. Trong khuôn viên nhà ông Chung, cây cối bạt ngàn và có một khoảng sân đất khá rộng. Đó chính là nơi tập luyện của các thành viên đội bắn nỏ thôn Víp.

Ông Đoàn Văn Chung và con trai trong buổi tập bắn nỏ. Ảnh: Minh Quang.


Ông Chung làm quen với bắn nỏ từ thời thơ ấu. Ở đất này, cây nỏ là vật dụng thân thuộc, bởi nhà nào cũng có người biết bắn nỏ, chỉ là có bắn tốt hay không mà thôi. Người đàn ông dân tộc Mường này nhớ lại: “Hồi 10 tuổi, vào khoảng năm 1976, tôi đã chơi nỏ rồi. Khi đó quanh vùng này chỉ có rừng. Tôi và nhiều đứa trẻ khác dùng nỏ để đuổi chim, sóc. Cứ thế, kỹ năng bắn nỏ được hình thành”. Ngày đó, ông Chung đã có tiếng là bắn giỏi. Mục tiêu cách 25m trở lại không thể thoát khỏi mũi tên từ nỏ của ông.

Loại nỏ mà ông Chung sử dụng do người trong thôn tự chế, sức kéo nặng hơn nhiều so với nỏ bây giờ. Nhờ vậy mới có thể săn hoẵng, lợn rừng, bởi mũi tên phải xuyên qua da mới hy vọng con mồi gục xuống vì ngấm thuốc. Ông chưa từng săn lợn rừng và hoẵng ở đất Ba Vì, chỉ nghe người lớn tuổi trong thôn kể lại. "Đại loại là ngoài nỏ thì mũi tên tẩm thuốc mê cũng phải được xử lý kỹ. Thuốc tẩm vào tên được trộn từ nhiều loại nhựa cây, trong đó, phổ biến là nhựa cây sui. Sau khi hòa các loại nhựa cây với nhau rồi đổ vào ống tên, mũi tên được thả vào và ngâm trong đó ít nhất một tháng mới mang ra sử dụng. Khi mũi tên bắn tới cắm xuyên qua da thì con thú khỏe đến mấy cũng chỉ đi thêm độ hai ngày đường là gục xuống. Quan trọng là thợ săn phải theo được con mồi" - ông Chung cho biết.

Sau này, người dân Minh Quang không vào rừng đi săn, mà chỉ sử dụng nỏ xua đuổi thú mỗi khi chúng xuống bản. Đến năm 1996, tại một số lễ hội được tổ chức ở Minh Quang, trong đó có lễ khai hạ vào ngày 7 tháng Giêng, lễ hội đền Hạ…, Ban Tổ chức đã đưa môn bắn nỏ, ném còn vào chương trình. Từ đây, bắn nỏ được coi như một môn thể thao thay vì chỉ là dụng cụ săn bắn. Đương nhiên, ông Chung không thể vắng mặt ở các cuộc thi và thường giành giải.

Phong trào bắn nỏ ở địa phương thực sự sôi động từ năm 2000 khi môn này có tên trong các hội thao, giải thể thao của tỉnh Hà Tây cũ hoặc Hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc. Đội bắn nỏ của xã Minh Quang với nòng cốt là các tay nỏ ở thôn Víp, được biết đến nhiều hơn. Riêng ông Chung đã giành đủ loại huy chương cấp tỉnh, sau này là của TP Hà Nội cũng như toàn quốc. Trong nhà ông, có gần 30 chiếc huy chương được treo trang trọng trên tường. “Còn hơn 20 chiếc nữa đang ở các nhà khác. Anh em xin huy chương của mình về làm kỷ niệm thì mình cho thôi” - ông Chung vui vẻ nói.

"Giữ lửa" cho phong trào

Chính những tấm huy chương đã thôi thúc ông Chung làm nhiều việc hơn để phát triển môn bắn nỏ. Việc đầu tiên là gây dựng đội bắn nỏ thực sự quy củ. Hồi mới thành lập, đội bắn nỏ thôn Víp chỉ có 4 người. Sau này, đội có hơn 10 thành viên trụ cột, chưa kể hàng chục người khác không tập luyện thường xuyên do hoàn cảnh gia đình. Các thành viên trong đội thường tập tại khu vườn nhà ông Chung hoặc ở đường ngoài thôn dưới sự chỉ đạo của ông.

Hiện, xã Minh Quang có hơn 100 người tập bắn nỏ thường xuyên, nhưng không đâu thiện xạ như đội thôn Víp. Trưởng thôn Víp Đinh Bá Cương cho biết: “Bà con ở đây đều thích bắn nỏ vì nó đã xuất hiện từ lâu. Dù vậy vẫn phải có người tuyên truyền để người dân tham gia tập luyện. Ông Chung đã làm tốt việc này”. Bây giờ điều kiện kinh tế đã tốt hơn xưa, việc tạo ra một cây nỏ không quá phức tạp nhưng vẫn đòi hỏi sự công phu. Thân nỏ có thể dùng máy để chế tạo nhưng nhiều bộ phận khác, từ mũi tên, cánh nỏ đến dây nỏ, lẫy đều phải làm bằng tay. Riêng việc tạo ra cự ly giữa các bộ phận của nỏ, hay còn gọi là đo mực, là bí quyết không thể tiết lộ.

Thực tế, nếu không có ông Chung thì nhiều tay nỏ ở Minh Quang phải giải nghệ vì thiếu tên. Dù thời nào thì mũi tên nhất thiết phải làm từ cây vầu, cây đèn hay còn gọi là cây bương mốc, cây lành hanh - theo tiếng địa phương. Từ vài năm nay, rừng Ba Vì không còn loại cây trên. Vì vậy, mỗi dịp tháng 11, ông Đoàn Văn Chung phải đến Cao Phong, Đà Bắc (Hòa Bình) để tìm mua cây lành hanh về làm tên. "Cây lành hanh ở vùng đồi thu hoạch vào tháng 11 mới tốt, vì cây khô, đanh, chắc, tên có trọng lượng đều hơn" - ông Chung tiết lộ.

Mỗi lần mua cây, ông Chung có thể chế ra số lượng tên dùng trong cả năm cho đội bắn nỏ trong xã. Ông Chung tự bỏ tiền túi đi mua và chế tạo tên với mong muốn mọi người có đủ tên để tập luyện, thi đấu. Ông tâm sự: "Mỗi dịp làm tên mất cả chục ngày, nửa tháng. Nhiều khi vót, nắn mũi tên bằng lửa, rồi căn chỉnh nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ vì mũi tên không đạt yêu cầu. Khó nhất vẫn là làm tên thi đấu bởi phải bảo đảm trọng lượng, độ dài như nhau để bắn chuẩn, đều. Đến giờ, đội bắn nỏ xã Minh Quang luôn đủ tên chuẩn để tập luyện, thi đấu". Gia đình thấy ông đam mê nên ủng hộ nhiệt tình, chẳng một lời than vãn.

Nhiều người băn khoăn khi thấy ông đã lăn lộn với phong trào bắn nỏ địa phương, làm nòng cốt cho môn bắn nỏ Hà Nội hàng chục năm nay ở các hội thi toàn quốc nhưng chẳng mảy may đề cập tới chuyện đòi hỏi quyền lợi, khen thưởng cho cá nhân. Ông Trịnh Hùng Minh, cán bộ Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội), chuyên trách mảng thể thao của người dân tộc ở Hà Nội chia sẻ: "Hiếm có người đam mê bắn nỏ như ông Chung. Nhờ ông ấy mà chúng tôi bớt đau đầu mỗi khi thành lập đội tuyển. Ông ấy đã truyền cảm hứng cho những người xung quanh, giúp gìn giữ một môn thể thao được nhiều người yêu thích”.

Thùy An