Tránh tình trạng "phạt cho tồn tại"
Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 11/05/2018
Điển hình cho những tuyến đường bị các tòa cao ốc “bức tử” tại Hà Nội phải kể tới là trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Trục đường chỉ dài khoảng 7,5km nhưng có đến hàng chục dự án chung cư án ngữ dọc hai bên tuyến đường. Nhiều đến mức thật khó có thể nhớ được hết tên các dự án tại đây. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng thừa nhận với khách hàng rằng: “Điểm yếu chung của các dự án dọc đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là lòng đường hẹp, dành thêm một phần cho tuyến xe buýt nhanh - BRT nên vào giờ cao điểm rất dễ xảy ra tình trạng tắc đường”.
Trên trục đường Trần Phú (quận Hà Đông), chỉ trong khoảng hai năm trở lại đây, cũng có hàng chục tòa chung cư từ 17 đến hơn 30 tầng mọc lên, như tòa nhà Fodacon, Sông Đà, Hồ Gươm Plaza, Hattoco. Các khu nhà cao tầng này chỉ cách nhau vài trăm mét khiến tuyến đường quá tải nghiêm trọng vào các khung giờ cao điểm.
Sâu hơn vào nội đô là tuyến đường Minh Khai chật hẹp, nhưng cũng đã kịp “nhồi” hàng chục khu đô thị quy mô lớn. Vào mỗi buổi sáng và cuối buổi chiều, đứng trên cầu Vĩnh Tuy nhìn về phía đường Minh Khai sẽ thấy những dòng người và xe ken đặc, tưởng chừng không thể di chuyển. Không chỉ vậy, ngay trên tuyến đường này, hàng loạt dự án nhà ở khác vẫn đang được khẩn trương xây dựng rầm rộ trên nền của các nhà máy cơ khí, xí nghiệp... từng một thời là những thương hiệu công thương nghiệp nổi tiếng của đất nước.
Tình trạng cao ốc “bức tử” giao thông có một phần nguyên nhân là chúng ta chưa có quy định pháp luật riêng biệt về đánh giá tác động giao thông khi xây dựng chung cư, nhà cao tầng trong nội đô. Trong khi đó, không ít dự án chưa tuân thủ nghiêm việc thực hiện đúng quy hoạch. Thậm chí, trong quy hoạch chi tiết có những khu đất để làm bãi đỗ xe, không gian công cộng, nhưng đã bị chủ đầu tư biến thành nhà chung cư để thu lợi. Tư nhân đang là chủ của hầu hết các dự án đô thị lớn trên địa bàn cả nước, nhưng Nhà nước có thể quản lý họ bằng các quy định cụ thể. Phải xác định những hoạt động ấy có làm tổn hại tới lợi ích chung của cộng đồng xã hội hay không? Lợi ích từ kinh doanh bất động sản nhà đầu tư được hưởng, nhưng mọi trách nhiệm để giải quyết “bài toán” quá tải giao thông lại dồn lên vai các cơ quan chức năng - đây là điều rất phi lý!
Không ít lần tại các hội nghị bàn về giải pháp chống ùn tắc giao thông, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị, cần sớm có quy định pháp luật về đánh giá tác động giao thông đối với các dự án, công trình xây dựng lớn. Trước khi phê duyệt một dự án phải trả lời được những tác động với hạ tầng giao thông. Đây là điều mà các quốc gia phát triển đều đã có quy định cụ thể nhằm bảo đảm phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam vì chưa có quy định này nên những năm qua đã xuất hiện không ít khu đô thị mới, mật độ cao, nhưng không có kết nối với hệ thống giao thông công cộng, thậm chí gây sức ép quá tải cho hệ thống giao thông chung của khu vực nói riêng và thành phố nói chung.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), bây giờ vẫn chưa quá muộn để đưa ra quy định bắt buộc phải có đánh giá tác động giao thông khi triển khai các dự án phát triển nhà ở trong nội đô. Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành, thể chế hóa quy định với các dự án phát triển nhà ở phải có đánh giá sức chịu tải của hạ tầng giao thông. Khi xem xét phê duyệt quy hoạch chi tiết, phải yêu cầu chủ đầu tư nêu rõ tác động của dự án với hạ tầng. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý vi phạm ngay từ khi vừa bắt đầu, không để tình trạng “phạt cho tồn tại”.