Cán bộ cấp chiến lược phải có tài năng, đạo đức, khiêm tốn, ham học hỏi
Chính trị - Ngày đăng : 06:54, 11/05/2018
- Ông cho biết ý kiến về ý nghĩa cũng như sự cần thiết của Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"?
- Công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược của Đảng luôn có tầm quan trọng đặc biệt, có vai trò quyết định trong sự phát triển chung của đất nước. Hơn 30 năm đổi mới, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu mang ý nghĩa lịch sử, song cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Một bộ phận cán bộ bị xuống cấp, rơi vào “lợi ích nhóm”, tham nhũng… Những bất cập trong công tác cán bộ đã khiến sức chiến đấu, uy tín của Đảng bị ảnh hưởng, lòng dân không yên...
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, thực trạng nêu trên bắt nguồn từ sự lơ là rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tiếp đó là, một số cán bộ khi có chức quyền đã sa sút về đạo đức, ý chí chiến đấu, thiếu tầm nhìn, chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân. Để làm tốt công tác cán bộ, phải xác định rõ, cái gì cần chấn chỉnh, cần đổi mới do không theo kịp thực tiễn? Đây chính là một trong những vấn đề cần quan tâm, làm rõ.
Việc Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xem xét, thảo luận Đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" là rất cần thiết và đúng lúc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sự mong đợi của cán bộ và nhân dân.
- Theo ông, cán bộ cấp chiến lược cần phải có những phẩm chất gì?
- Đó là những người có tài năng, song, điều quan trọng phải có tinh thần khiêm tốn, ham học hỏi, có đạo đức bởi “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tôi cho rằng, nhân tài thời kỳ nào cũng có, nhưng quan trọng là chúng ta sẽ sử dụng hiệu quả nhân tài bằng cách nào, hình thức ra sao để tạo điều kiện cho những người có tâm, có tài có thể đem hết năng lực phụng sự đất nước. Điều cần thiết nhất vẫn là quy định cụ thể để đưa những ý tưởng, những mong muốn này thành các quy định để vận dụng được vào thực tế, chọn được người tài cho Đảng, cho đất nước.
- Như chúng ta đã biết, công tác cán bộ hiện còn nhiều bất cập, vì vậy, việc đổi mới công tác cán bộ nên tập trung vào khâu nào, thưa ông?
- Theo tôi, muốn đổi mới công tác cán bộ hiện nay, chúng ta cần tập trung vào việc kiểm soát quyền lực. Tại Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) vừa qua, vấn đề này đã được đề cập. Nhưng kiểm soát quyền lực phải bắt đầu từ đâu? Cá nhân tôi cho rằng, bản chất của kiểm soát quyền lực đầu tiên là phải tạo được cơ chế. Đảng có Điều lệ Đảng. Để kiểm soát quyền lực, khi cần thiết chúng ta phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Kiểm nghiệm lại những thiếu sót của cán bộ, cả ở cấp cao, thường xuất phát từ việc hiểu và thực hiện Điều lệ Đảng không đủ dẫn đến ngộ nhận về quyền lực. Để khắc phục điều này, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ cũng như tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Trong bối cảnh chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, những vấn đề đó phải được “luật hóa”.
- Vậy làm thế nào để nâng cao được vai trò giám sát của nhân dân?
- Như tôi đã nói, bên cạnh cơ chế kiểm soát quyền lực, cần quy định rõ chức trách, quyền hạn, nhiệm vụ của các chức danh cán bộ trong Đảng, tăng cường tính dân chủ thông qua việc triển khai thực hiện tốt Luật Trưng cầu ý dân, đề cao vai trò giám sát của nhân dân. Bởi, nếu phân tích sâu xa, những điều này chính là một trong những phương thức hiệu quả để kiểm soát quyền lực. Thực tế, có những cán bộ lãnh đạo tốt nhưng “tầm” chưa đủ. Khi thực hiện trưng cầu dân ý, sẽ thể hiện rõ “ý Đảng, lòng dân”, từ đó giúp nâng tầm, bổ sung tư duy chiến lược cho người cán bộ lãnh đạo. Làm được như vậy, chúng ta không chỉ kiểm soát được quyền lực mà còn góp phần tăng cường ý chí không ngừng trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên.
Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ cấp cao khi còn trẻ rèn luyện phấn đấu rất tốt. Thế nhưng, khi đã giữ trọng trách cao, sự rèn luyện, phấn đấu lại mai một, dẫn tới phát sinh "lợi ích nhóm", tham nhũng, lạm dụng quyền lực, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc thực trạng này để sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới.
- Ông đánh giá như thế nào về những quyết định xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm thời gian gần đây cũng như quyết tâm sẵn sàng loại bỏ những phần tử cơ hội, “lợi ích nhóm” khỏi hàng ngũ cán bộ, dù đó là những cán bộ cấp cao và chưa có tiền lệ bị xử lý khi vi phạm kỷ luật?
- Tôi cũng như đông đảo nhân dân đều rất vui mừng vì kết quả đó. Đảng đã có nhiều quyết định xử lý nghiêm, ngay cả đối với những cán bộ cấp cao. Điều đó củng cố lòng tin trong cán bộ và nhân dân. Song theo tôi, cần phải làm mạnh hơn nữa. Vì những vụ việc vừa qua chắc mới là lượng nhỏ so với thực tế tồn tại. Ngoài tham nhũng lớn, nay còn phổ biến tình trạng “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong nhân dân.
Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp nói lên rằng, sứ mệnh của Đảng ta gắn liền với sứ mệnh xây dựng và phát triển đất nước, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; sự tồn vong của Đảng ta gắn liền với sự tồn vong của đất nước. Nhân dân ghi nhận và khẳng định sứ mệnh của Đảng, đồng thời đòi hỏi Đảng ta, cụ thể là những cán bộ giữ trọng trách trong Đảng phải thực sự xứng đáng với sứ mệnh ấy.
- Trân trọng cảm ơn ông!