Từ vụ việc phát hiện trung tâm ngoại ngữ hoạt động "chui": Có sự buông lỏng quản lý?
Giáo dục - Ngày đăng : 06:31, 13/05/2018
Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu rà soát, đánh giá việc cấp phép và quản lý các trung tâm ngoại ngữ. Ảnh: Hải Nguyễn |
Cứ kiểm tra là ra sai phạm
Với nhu cầu học tập của người dân ngày càng cao, đa dạng, những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội, các loại hình đào tạo ngoài nhà trường phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện có khoảng 1.100 cơ sở đào tạo ngoài nhà trường, bao gồm các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, kỹ năng, tư vấn du học, tin học…, trong đó, số trung tâm ngoại ngữ: Anh, Pháp, Đức, Nhật… chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Thực trạng trên đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, bao gồm cả các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài. Theo ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), số lượng các trung tâm ngoại ngữ nhiều, địa bàn hoạt động rộng, khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, người làm công tác quản lý các trung tâm phải am hiểu pháp luật như: Luật Đầu tư, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Bản quyền và Sở hữu trí tuệ..., nên việc bao quát tình hình tổ chức, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ nói riêng và các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường nói chung chưa được như mong muốn.
Sự việc của Công ty MST là một điển hình. Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác liên ngành thành phố cho thấy, cơ sở này hoạt động chủ yếu theo hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ học tập thông qua tài khoản facebook cá nhân; địa điểm hoạt động ở các nơi khuất, diện tích nhỏ, không có biển hiệu; giáo viên trực tiếp đứng lớp chỉ xuất trình được bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, không có bằng cấp nào liên quan đến việc giảng dạy.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng, vì sao các cơ sở như vậy vẫn tồn tại ngay giữa Thủ đô? Nếu việc giáo viên có lời lẽ thô tục với học viên không bị phát giác, có lẽ, cơ quan quản lý cũng không biết được đơn vị này có tới 3 cơ sở, ở 3 quận khác nhau đều chưa đăng ký hoạt động, nhưng vẫn tổ chức dạy học. Và ai dám chắc số cơ sở hoạt động chui như vậy sẽ dừng lại ở con số 3.
Quản lý chưa theo kịp thực tiễn
Để thành lập được trung tâm ngoại ngữ, bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Sau khi có giấy phép kinh doanh có ngành nghề về giáo dục - đào tạo ngoại ngữ, cơ sở làm thủ tục xin cấp phép hoạt động tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng, nhiều đơn vị chưa tuân thủ đúng quy định. Bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm cho biết, Đoàn công tác liên ngành của quận vừa kiểm tra hơn 20 trung tâm trên địa bàn, về cơ bản đều hoạt động theo quy định, song vẫn còn một số đơn vị không khai báo hoạt động, chưa xin cấp phép, trong đó nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất.
Một giờ học tại Trung tâm Ngoại ngữ Trabi, quận Ba Đình (Hà Nội). |
Đề cập đến những vướng mắc trong công tác quản lý các trung tâm ngoại ngữ, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp cho rằng, công tác quản lý đòi hỏi sự thích ứng với những thay đổi thực tiễn, không có tiền lệ, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát được hoạt động của cơ sở. Một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có hướng dẫn chi tiết, chưa bao quát được hết đối tượng và chưa theo kịp thực tiễn. Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế đối ngoại (Tổ chức Giáo dục và Đào tạo Apollo Việt Nam) dẫn chứng thêm: Không ít cơ sở gặp khó khăn, cản trở trong khâu xin phép hoạt động, bởi quy định về việc này hiện có sự khác biệt. Theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, giáo viên ngoại ngữ phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, nhưng Nghị định 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, lại yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học trở lên hoặc tương đương.
Theo quy định, để được cấp phép hoạt động, người đứng ra mở trung tâm ngoại ngữ phải có thâm niên công tác trong ngành Giáo dục - Đào tạo ít nhất 3 năm. Tuy nhiên, nhiều trung tâm đã "lách luật" bằng cách thuê giáo viên đứng ra thành lập, còn việc điều hành, tổ chức hoạt động lại là một người khác. Đây là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng trong quá trình giám sát hoạt động của các trung tâm. Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring cho rằng, sự việc của MST cho thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát các cơ sở giáo dục tại địa bàn. Khó có thể chấp nhận việc một lớp học tồn tại mà tổ trưởng tổ dân phố, công an khu vực không nắm được. Chính quyền địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ với công an, tổ dân phố, các tổ chức, đoàn thể... kiểm tra thường xuyên, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khuyến nghị các địa phương nên thành lập Hiệp hội Giáo dục ngoài nhà trường để tự quản, tự cạnh tranh, tạo động lực cho các đơn vị hoạt động chân chính phát triển, chứ không chỉ trông chờ vào sự quản lý của ngành Giáo dục - Đào tạo. Mặt khác, chính người học cần nêu cao ý thức tự bảo vệ mình, tìm hiểu kỹ về nơi dự kiến theo học, tránh "tiền mất, tật mang".
Từ nay đến cuối năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ kiểm tra đột xuất từ 30% đến 50% số trung tâm ngoại ngữ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các vi phạm; đồng thời, công khai các đơn vị đã được cấp phép hoạt động, nhằm huy động sự giám sát của cộng đồng với hoạt động này. |