Thay đổi tư duy, bắt kịp nhu cầu

Công nghệ - Ngày đăng : 06:57, 14/05/2018

(HNM) - Đối với Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, hiện nay nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.


Nghịch lý “thừa và thiếu”

Hiện TP Hồ Chí Minh có 74 trường đại học và cao đẳng, trung bình cung cấp cho thị trường lao động từ 130.000 đến 150.000 cử nhân, kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thành phố đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động chất lượng cao. Tại một số diễn đàn cũng như sàn giao dịch việc làm, rất nhiều doanh nghiệp "than khó" trong việc tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao.

Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là địa chỉ hiếm hoi đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.


Theo ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh, cứ 100 doanh nghiệp đăng ký phỏng vấn với hơn 10.000 đầu việc thì có tới 75-80% tuyển dụng lao động có tay nghề cao như thương mại, kỹ thuật, kế toán, công nghệ thông tin... Nhu cầu là thế, nhưng để tuyển dụng được lao động mà doanh nghiệp cần lại không phải dễ.

Lý giải về điều này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kết nối và tự động hóa khiến thị trường lao động phát triển không đồng bộ. Chính vì vậy đã diễn ra nghịch lý "thừa" lao động, "thiếu" nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển của thành phố.

Nhắc đến địa chỉ thu hút nguồn lao động chất lượng cao tại TP Hồ Chí Minh phải nói đến khu công nghệ cao của thành phố. Tại đây hiện có 38.184 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Intel, Samsung, FPT…

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, đội ngũ nhân lực trong khu công nghệ cao được yêu cầu phải qua đào tạo, có năng suất lao động cao. Điều đặc biệt là những lao động ở đây trình độ về lý thuyết có thể chỉ ở mức khá, nhưng năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp với áp lực cao là những yếu tố phải đạt chất lượng cao.

Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm làm việc, đạo đức nghề nghiệp, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động của người lao động cũng là một trong những yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong khu công nghệ cao.

Tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, các học viên chủ yếu được các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao “gửi” qua đào tạo. Nơi đây, các học viên được tiếp cận chương trình đào tạo đặc thù, được tiếp xúc và trực tiếp vận hành thực nghiệm dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại như robot, hệ thống tự động hóa, cơ khí chính xác… Nhờ vậy, trung tâm là cầu nối, nơi cung cấp nhu cầu đào tạo cũng như tuyển dụng nhân sự, từ lao động phổ thông đến lao động chất lượng cao.

Đào tạo những gì doanh nghiệp cần

Theo các chuyên gia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên 3 lĩnh vực chính: Kỹ thuật số; công nghệ sinh học; robot thế hệ mới, xe tự lái, các vật liệu mới... Theo dự báo, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ được đào tạo giản đơn sẽ chịu tác động lớn và có nguy cơ bị đào thải do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới TP Hồ Chí Minh cần tập trung vào những giải pháp đồng bộ cả về phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động, việc làm.

Trong đó, cần phải đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo nghề thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình và đào tạo nghề chất lượng cao, tăng tính thực hành cao.

Đồng thời, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng của giáo dục nghề nghiệp và gắn kết chặt chẽ với nhà tuyển dụng trong đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động của doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, với đặc thù của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi rất nhanh. Chính vì vậy, sẽ không còn cảnh giảng viên lên lớp chiếu bài giảng vì gần như tất cả kiến thức học viên có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Từ đó, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải chủ động và nhanh chóng thay đổi phương thức đào tạo truyền thống, đó là phải dạy những gì doanh nghiệp và thị trường cần.

“Kinh nghiệm tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho thấy, cách tốt nhất là các cơ sở đào tạo nên liên danh với doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình đào tạo mới - gắn kết đào tạo với doanh nghiệp. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần””, ông Lê Hoài Quốc nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRỌNG NGÔN