Tích cực triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 14/05/2018
Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 kiểm tra thực tế tại một cơ sở sản xuất rau ở huyện Chương Mỹ. |
Còn nhiều khó khăn
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Lê Thị Liễu, hiện toàn huyện có 1.990 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm trên hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thị trấn nhằm tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra, nhưng do số lượng cơ sở sản xuất nhiều, hoạt động quy mô hộ gia đình, không có đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trong tháng triển khai, Đội Quản lý thị trường số 30 đã phối hợp với các đơn vị xử lý 14/14 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, nộp ngân sách nhà nước 28,4 triệu đồng. Thực tế, nhân lực triển khai an toàn thực phẩm tại huyện, xã và thị trấn còn hạn chế về số lượng, trình độ chuyên môn còn yếu; trang thiết bị phương tiện đánh giá chất lượng thực phẩm còn thiếu, nhất là thiết bị đánh giá chất độc hại đối với sản phẩm như: Rượu, rau - củ - quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy cầm…
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, trên địa bàn huyện có 306 cơ sở, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm, thủy sản; đã ký cam kết sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm cho 4.384 hộ. Toàn huyện có 17 chợ, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm là 1.008 hộ. Huyện đã cấp 13 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 200 giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm…
Từ đầu năm đến nay, các xã, thị trấn đã kiểm tra 170 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; phát hiện 14 cơ sở chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng mới chỉ dừng ở nhắc nhở mà chưa có xử phạt hành chính theo quy định. Hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện còn khó khăn do số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư chưa được kiểm soát hằng ngày, thường xuyên.
Một số cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa rõ nguồn gốc, chưa khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định; thức ăn đường phố còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số xã, thị trấn chưa quyết liệt trong kiểm tra, đánh giá xếp loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản… việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng ở nhắc nhở.
Bà Trần Thị Xuân - hộ sản xuất kẹo ở xã Hoàng Long cho biết, do sản xuất nhỏ lẻ nên hộ sản xuất chưa cung cấp đầy đủ một số giấy tờ về điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe cho người lao động, chất lượng nước sản xuất chưa bảo đảm an toàn; khu chế biến chưa có hệ thống chống côn trùng… gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian tới, cơ sở tiếp tục khắc phục để bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, qua kiểm tra thực tế công tác thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, các huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành số 2 đề nghị các huyện đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm giữa các xã, thị trấn; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố, diễn tập điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm đông người bị mắc tại các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã cần đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ đồng ruộng.
Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Mạnh Hưng đề nghị các sở, ngành tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm của huyện, xã, thị trấn; đồng thời, hỗ trợ các huyện kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm và các chuỗi nông sản sạch cung cấp ra thị trường.
Các sở, ngành tham mưu cho thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm từ cơ sở vật chất, hệ thống chợ đến trang thiết bị sản xuất kinh doanh, kinh phí kiểm tra, giám sát, kiểm định mẫu… tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến huyện trong kiểm tra mẫu.