Châm ngòi cho cuộc khủng hoảng mới

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 14/05/2018

(HNM) - Xung đột bùng lên giữa Israel và Iran tại Syria, khiến bầu không khí căng thẳng tại khu vực Trung Đông tăng lên nấc thang mới, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.


Các vụ oanh kích làm ít nhất 23 người chết. Phía Syria cho rằng, hành động này của Israel chỉ làm gia tăng bất ổn trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào.

Nhiều xe tăng của Israel triển khai gần biên giới với Syria.


Iran và Israel là hai quốc gia đối nghịch nhau tại Trung Đông. Cùng với Nga, Iran là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tehran đã triển khai hàng trăm binh lính tới nước này làm cố vấn quân sự cho Chính phủ Syria trong cuộc nội chiến với các lực lượng đối lập và sau đó là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Với sự hỗ trợ mạnh mẽ này của Iran cùng Nga, Tổng thống B.al-Assad đã lật được thế cờ, chiếm ưu thế so với các đối thủ.

Thực tế đó khiến một số quốc gia, đặc biệt là Israel, lo ngại Iran đang khai thác sự giúp đỡ cho chế độ B.Al-Assad để thiết lập sự hiện diện quân sự vĩnh viễn tại Syria. Israel cùng một số quốc gia vùng Vịnh cũng cáo buộc Iran đang tăng cường hỗ trợ các lực lượng phiến quân Hồi giáo Shiite tại Syria và nhóm Hezbollah ở Lebanon, nhằm xây dựng lực lượng thống nhất cho một cuộc chiến mới trong khu vực.

Trong khi đó, Israel không tham gia cuộc chiến ở Syria mà chỉ tập trung vào giám sát những căng thẳng trên biên giới với nước này ở Cao nguyên Golan - vùng lãnh thổ của Syria mà Tel Aviv đã chiếm giữ trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Israel cũng đã phát động hơn 100 cuộc không kích vào quốc gia Trung Đông với lý do phá hủy việc chuyển giao các loại vũ khí tiên tiến cho lực lượng Hezbollah thân Iran ở Lebanon.

Các cuộc tấn công này đã gây ra căng thẳng giữa Israel và Syria vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của quốc gia này, nhưng cho đến nay vẫn chưa dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này có thể thay đổi một khi Iran can dự.

Các hành động quân sự trực diện lần này giữa Israel và Iran được xem là xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai nước kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1973. Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách Arab, leo thang xung đột Tel Aviv - Tehran thời gian gần đây phần nào cho thấy những lo ngại của Israel về sự ảnh hưởng đang được mở rộng của Iran tại khu vực.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần tuyên bố, nước này không chấp nhận việc Tehran tăng cường hiện diện quân sự ở Syria và sẵn sàng hành động để chống lại điều đó.

Vì vậy, mối quan tâm của nhà nước Do Thái khi can thiệp quân sự tại Syria không giống với đồng minh Mỹ. Trong khi Washington duy trì ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông bằng việc hỗ trợ các lực lượng đối lập chống lại chế độ Tổng thống B.Al-Assad thì Tel Aviv chỉ có một mục tiêu là ngăn chặn Tehran xây dựng lực lượng bên trong Syria.

Những gì đang diễn ra khiến dư luận quan ngại căng thẳng giữa Iran và Israel có thể châm ngòi cho những xung đột mới, trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi hai bên giảm căng thẳng, đồng thời cảnh báo cả hai quốc gia có nguy cơ phá vỡ giới hạn đỏ đầy nguy hiểm, đẩy khu vực chìm sâu hơn nữa vào rối ren.

Thùy Dương