Chuyện về "bác sĩ người máy"
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:19, 14/05/2018
Phẫu thuật bằng robot
Sự lạ lẫm, hiếu kỳ về "bác sĩ người máy" thôi thúc chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy để được tận mắt chứng kiến ca phẫu thuật bằng robot. Trong căn phòng phẫu thuật, trên bàn mổ là một nam bệnh nhân ung thư trực tràng đang chờ cắt bỏ khối u.
Ngồi trên chiếc ghế đặc biệt, tựa như lập trình viên chính là TS.BS Lâm Việt Trung - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông là bác sĩ mổ chính, nhưng điều khác thường là ông không trực tiếp cầm dao mổ. Đôi bàn tay bác sĩ đặt lên 2 cần điều khiển thiết kế nhiều nút chỉnh, phía dưới đôi chân của ông cũng được gắn các thiết bị điều khiển cắt, đốt điện, di chuyển camera.
"Người cộng sự" robot sẽ đảm nhận vai trò của một phẫu thuật viên với những cánh tay thiết kế sắc nhọn. Bốn cánh tay của robot được bung ra, trong đó 1 cánh tay gắn camera, 3 tay còn lại là các dụng cụ phẫu thuật bắt đầu xâm nhập cơ thể người bệnh...
Robot phẫu thuật “bốn tay” tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Bác sĩ Trung cho biết, đây là robot phẫu thuật thế hệ thứ tư của thế giới, với bốn cánh tay phẫu thuật, đầu camera thông minh, góc phẫu thuật rộng 580 độ, hình ảnh 3D sắc nét. Cánh tay robot sẽ thực hiện theo nhịp tay của bác sĩ Trung. Trên màn hình, chúng tôi thấy rõ từng mạch máu bên trong cơ thể nhờ camera có chức năng phóng đại gấp 12 lần. Khối ung thư dần lộ diện và được bác sĩ khoanh vùng để cắt bỏ. Các bác sĩ, nhân viên còn lại trong kíp mổ sẽ đảm trách nhiệm vụ thay dụng cụ mổ, hút dịch theo lệnh của bác sĩ mổ chính.
Bằng sự linh hoạt và chính xác dưới sự điều khiển bằng bàn tay và trí tuệ con người, những cánh tay robot thoăn thoắt xoay chiều, đảo chiều, luồn lách qua khối mỡ, thực hiện lệnh cầm máu, cắt, tách. Sau khi cắt những hạch ung thư, robot sẽ luồn một túi đựng đặc biệt để xử lý khối u ngay trong cơ thể người bệnh. Cỗ máy robot hoạt động rất êm, sau hơn 2 giờ đồng hồ, ca mổ cắt phần ung thư, nạo hạch ở trực tràng đã hoàn tất.
Phẫu thuật robot có ưu thế giúp bệnh nhân bớt đau đớn và hồi phục nhanh chóng hơn so với phương pháp mổ hở. TS.BS Lâm Việt Trung vẫn nhớ như in với ca mổ đầu tiên ông thực hiện bằng robot tại bệnh viện từ cuối năm 2017. Đó là bệnh nhân nam, 62 tuổi, bị ung thư trực tràng. Trường hợp này, nếu phẫu thuật nội soi rất khó, người bệnh sẽ phải cắt bỏ cả hậu môn. Sau khi tư vấn cho bệnh nhân, ca phẫu thuật robot được tiến hành. Phải mất đến 5 giờ, ca mổ mới hoàn tất, kết quả thành công ngoài mong đợi, khối u được cắt bỏ hoàn toàn, bảo toàn hậu môn người bệnh nhờ hạn chế xâm lấn khi phẫu thuật bằng robot.
Để điều khiển được cỗ máy thông minh, trước đó, bác sĩ Trung đã được cử sang Hàn Quốc để đào tạo. Theo bác sĩ Trung, việc phẫu thuật không đơn giản chỉ cầm tay và điều khiển. Thay vì cảm nhận trực tiếp bằng tay khi cắt khối u, bác sĩ phải tự tính toán, căn chỉnh khi điều khiển trực tiếp việc cắt bỏ khối u qua màn hình. Có lúc, bác sĩ cũng phải đối mặt với những phút giây cân não để truyền lực vào đôi bàn tay mình để điều khiển những cánh tay robot. Họ không bao giờ được phép lơ là để "đánh trượt mục tiêu" là khối ung thư và các hạch xung quanh. Bởi nếu để sót, người bệnh có thể bị di căn hoặc tái phát căn bệnh quái ác.
"Bác sĩ người máy" còn nhàn rỗi
Từ tháng 10-2017, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chi 71 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của TP Hồ Chí Minh để mua hệ thống robot phẫu thuật hiện đại nhất của Mỹ về Việt Nam. Theo đó, bệnh viện sẽ ứng dụng robot phẫu thuật vào điều trị các loại bệnh ung thư tạng, phẫu thuật tim mạch.
Trước đó, một robot có cùng "quốc tịch" Mỹ cũng đã được "chuyển khẩu" sang Bệnh viện Bình Dân vào tháng 12-2016. TS.BS Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân tự hào chia sẻ: "Chúng tôi là đơn vị tiên phong đưa robot phẫu thuật người lớn về Việt Nam nhằm mục đích phục vụ cho người bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và giảm lượng người bệnh đi ra nước ngoài phẫu thuật".
Từ ngày có mặt, robot trở thành cánh tay đắc lực của bác sĩ Bệnh viện Bình Dân khi tham gia phẫu thuật 92 ca ung thư tuyến tiền liệt, 55 ca bướu thận, 47 ca ung thư trực tràng, 27 ca ung thư đại tràng, 32 bướu bàng quang. Sự có mặt của "bác sĩ người máy" giúp nhiều bệnh nhân ưu tiên lựa chọn điều trị ung thư tại bệnh viện, thay vì phải sang nước ngoài điều trị.
Tuy nhiên, dù "thâm niên" 1,5 năm công tác tại Bệnh viện Bình Dân, nhưng "bác sĩ người máy" này bị đánh giá là "nhàn rỗi", chưa phát huy hết công suất. Tương tự, cỗ máy robot hiện đại nhất của Bệnh viện Chợ Rẫy đến nay cũng mới triển khai hơn 60 ca phẫu thuật, trong đó hơn 30% ca phẫu thuật được bệnh viện miễn phí cho bệnh nhân.
Theo TS.BS Lâm Việt Trung - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy, tại Hàn Quốc và Singapore, mỗi chuyên khoa có thể tiến hành 2-3 ca phẫu thuật robot mỗi ngày và được bảo hiểm y tế chi trả. Tại khoa Ngoại tiêu hóa nơi ông công tác, dù nhu cầu phẫu thuật robot rất nhiều nhưng sau 6 tháng đưa hệ thống robot vào sử dụng mới chỉ phẫu thuật 15 ca. Trung bình một ca phẫu thuật robot tốn từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu được phẫu thuật bằng robot, nhưng do bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho danh mục kỹ thuật này, trong khi bệnh nhân không có khả năng tự chi trả đành phải chọn phương pháp phẫu thuật mổ hở, hoặc mổ nội soi. Tại Bệnh viện Bình Dân, bảo hiểm y tế đồng ý chi trả 40% chi phẫu thuật robot nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện khó khăn, đối tượng được chi trả thu hẹp dẫn tới robot chưa phát huy công suất...
Phẫu thuật robot ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bình Dân chính là sự hiện hữu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong y học. Thế nhưng vì chưa có chính sách khuyến khích cho các bệnh viện áp dụng kỹ thuật cao, nên người dân, đặc biệt là người dân có thu nhập thấp chưa được hưởng lợi từ thành tựu của nền y học hiện đại.