Ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc

Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 14/05/2018

(HNM) - Thời gian qua, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra giám sát cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số cơ sở khi kiểm tra đột xuất cho thấy, không đáp ứng các yêu cầu, vẫn còn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các ngành chức năng niêm phong số sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.


Vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra tại Công ty TNHH Thương mại Duy Anh Dũng ở xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) cho thấy, công ty có một kho lạnh để bảo quản các sản phẩm da gà, xương gà, ức gà, mỡ gà. Nhiệt độ kho lạnh bảo đảm; công ty đã thực hiện ghi chép theo dõi nhiệt độ kho bảo quản nhưng việc ghi chép không đầy đủ. Trong kho có giá kệ đầy đủ, một số sản phẩm đã trang bị tem nhận diện song chưa đầy đủ.

Theo ông Lê Trung Kiên - Phụ trách Ban Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội), tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa xuất trình được hồ sơ nguồn gốc của các sản phẩm đang bảo quản tại kho. Cụ thể: 130kg ức gà đông lạnh, 240kg da gà đông lạnh, 200kg xương gà đông lạnh, 400kg mỡ gà đông lạnh, đơn giá 7.000 đồng/kg, tổng khối lượng hàng là 970kg, trị giá 4,6 triệu đồng. Đoàn kiểm tra tiến hành niêm phong toàn bộ số sản phẩm nêu trên và giao cho công ty bảo quản nguyên trạng cho đến khi nhận được thông báo của Đoàn.

Bên cạnh đó, khi kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), tại thời điểm kiểm tra, kho đồ khô sắp xếp gọn gàng, có tem nhãn nhận diện sản phẩm.

Tuy nhiên, Đoàn công tác phát hiện tại kho chứa có 15kg lạp xưởng, 75kg gạo tám Điện Biên có nhãn sản phẩm ghi chưa đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, tổng giá trị 2 lô sản phẩm là 3,37 triệu đồng. Điều này cho thấy, vấn đề kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang hoạt động, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quản lý.

Ông Nguyễn Văn Phác - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết,qQua kiểm tra thực tế ở các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhiều công ty đã xuất trình được hồ sơ nguồn gốc xuất xứ một số sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng trà trộn một số mặt hàng chưa có tem nhận diện, chưa bảo đảm an toàn thực phẩm…

Để kiểm soát những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gây mất an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các ngành chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra đột xuất những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có đăng ký kinh doanh nằm len lỏi trong các khu dân cư.

Tuy nhiên, cần tập trung vào nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành chưa tốt điều kiện về an toàn thực phẩm; xử phạt nghiêm và đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm, không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, các ngành chức năng cần nhắc nhở cơ sở khắc phục những điểm chưa được và duy trì những mặt đã đạt để bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Trong tuyên truyền, cần công khai rộng rãi, rõ ràng các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với những cơ sở chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp theo quy định.

Ngọc Quỳnh