TP Hồ Chí Minh: Hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm

Bất động sản - Ngày đăng : 07:06, 14/05/2018

(HNM) - Hiện nay, tình trạng cấp phép xây dựng nhà cao tầng tràn lan khiến hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh trở nên quá tải.

Ảnh minh họa


Công ty ở quận 1, trước đây anh Nguyễn Văn Bình (huyện Nhà Bè) thường chọn tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ để đi làm bởi đây là lộ trình ngắn nhất. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh phải đi vòng xuống đường Dương Bá Trạc (quận 8), qua cầu Nguyễn Văn Cừ rồi ngược lên quận 1, xa hơn gần 2km.

Anh Bình cho biết, đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Tẻ giao thông đi lại rất khó khăn, nhiều hôm để qua được tuyến đường này phải mất gần một tiếng đồng hồ. Thực tế cho thấy, đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), đoạn từ cầu Rạch Bàng đến cầu Kênh Tẻ chỉ chưa đầy 2km nhưng có tới hơn 10 cao ốc khiến vào giờ cao điểm, đoạn đường luôn luôn quá tải.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cao ốc mọc lên như nấm, nhất là khu vực nội thành và các tuyến đường cửa ngõ. Tại quận 4, đường Bến Vân Đồn dài chưa tới 3km nhưng có tới gần 15 chung cư cao tầng.

Còn tại cửa ngõ phía Đông, đường Mai Chí Thọ và xa lộ Hà Nội dù đã được mở rộng lộ giới lên 80-120m nhưng vẫn thường xuyên bị ùn tắc. Qua quan sát, khu vực này hiện có hơn 50 tòa nhà cao trên 30 tầng. Tại cửa ngõ phía Bắc, đường Cộng Hòa, Trường Chinh kết nối với quốc lộ 22 vốn đã quá tải về phương tiện giao thông, nay lại càng trầm trọng bởi mật độ dân số khu vực này tăng lên nhanh chóng...

Trước thực trạng trên, theo các chuyên gia, tại thời điểm này, bên cạnh việc ngưng cấp phép xây dựng mới cao ốc, TP Hồ Chí Minh nên tạm dừng với những dự án đã cấp phép nhưng chủ đầu tư chưa triển khai.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho biết, hiện nay, công tác cấp phép xây dựng tại TP Hồ Chí Minh chưa có đánh giá tác động toàn diện về hạ tầng giao thông. Cách làm hiện nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không theo hạ tầng hiện hữu nên thường xảy ra quá tải ngay sau khi công trình được xây dựng.

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, tại TP Hồ Chí Minh, có nhiều vị trí không thể xây cao ốc được do khu vực đó đã quá tải. Nhưng thực tế, các cơ quan chức năng vẫn cấp phép xây dựng cao ốc khiến quá tải giao thông trở nên trầm trọng hơn.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu về dân số, chiều cao công trình… để làm căn cứ cấp phép xây dựng là những chỉ tiêu quy hoạch đã được thành phố lập, thẩm định và phê duyệt trên cơ sở đồng bộ với các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.

Tuy vậy, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thừa nhận, nhiều dự án nhà ở cao tầng đang đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà lẽ ra phải làm ngược lại. Vì vậy, thời gian tới, khi xem xét cấp phép xây dựng, cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá tác động hạ tầng đô thị để bảo đảm kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không tiếp tục phát triển nhà cao tầng ở khu vực trung tâm, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan liên quan không cho xây dựng cao ốc trong phạm vi 930ha khu trung tâm hiện hữu. Việc này cùng với khuyến khích nhà đầu tư xây dựng chung cư ở khu vực ngoại thành cũng nằm trong định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.

Nguyễn Lê