Chuyến bay định mệnh MH370 đã bị đổi hướng một cách cố ý?
Thế giới - Ngày đăng : 13:38, 15/05/2018
Hình ảnh cho thấy vị trí cuối cùng của chiếc MH370 trước khi mất tích. (Nguồn: AP) |
Chủ đề của cuộc tranh luận là liệu chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã lao xuống biển trong một cú bổ nhào không được kiểm soát hay một cú hạ cánh có kiểm soát.
Nếu việc hạ cánh là được kiểm soát, điều đó có thể giải thích vì sao chỉ có một vài mảnh vỡ của chiếc máy bay mất tích được tìm thấy, và cũng có nghĩa là chiếc máy bay đã lao xuống vùng biển bên ngoài khu vực tìm kiếm.
Chuyến bay với 12 thành viên phi hành đoàn và 227 hành khách đã cất cánh từ Kuala Lumpur vào sáng sớm ngày 8-3-2014.
Chưa đầy 40 phút sau khi khởi hành, bộ chuyển phát tín hiệu và các phương tiện liên lạc với mặt đất khác của máy bay đã bị ngắt, và chiếc máy bay biến mất khỏi các màn hình kiểm soát không lưu.
Mặc dù mất tín hiệu khỏi màn hình radar dân sự, radar quân sự của Malaysia đã theo dõi được tín hiệu của MH370 và thấy rằng chiếc máy bay gần như đã quay đầu và bay trở lại đất liền Malaysia.
Sau khi bay qua Penang ở phía tây bắc Malaysia, chiếc máy bay đổi hướng thành tây bắc qua eo biển Malacca.
Mười ngày sau khi chiếc máy bay biến mất, công ty Inmarsat của Anh báo cáo rằng, một trong số các vệ tinh của họ đã bắt được một chuỗi các tín hiệu dữ liệu mờ nhạt từ các động cơ máy bay.
Những tín hiệu này là dành cho nhà sản xuất động cơ máy bay nhằm giám sát chúng trong chuyến bay thay vì để chỉ ra vị trí của máy bay, nhưng bằng cách tính toán, khu vực chiếc máy bay từng có mặt đã được tìm ra.
Chúng chỉ ra rằng vị trí cuối cùng của chiếc máy bay là một nơi nào đó trong một vòng cung kéo dài về phía Bắc tới tận Kazakhstan và sâu về phía nam tới Ấn Độ Dương. Một phép tính cuối cùng cho thấy chiếc máy bay đã bay về phía nam.
Simon Hardy, một thành viên của nhóm chuyên gia kiêm phi công và người hướng dẫn lái máy bay Boeing 777 tin rằng, chiếc máy bay ban đầu đã tránh bị radar quân sự phát hiện sau khi vòng lại bằng cách bay dọc biên giới giữa Malaysia và Thái Lan.
"Khi chiếc máy bay bay qua giữa Thái Lan và Malaysia, nó đã bay dọc biên giới phía dưới. Điều đó có nghĩa là nó đã bay ra bay vào giữa hai nước này... Các kiểm soát viên của cả hai nước đều không chú ý đến chiếc máy bay bí ẩn này vì họ nghĩ rằng, ồ, nó bay đi rồi, nó không còn trong không phận của chúng ta nữa".
Hardy cho biết, chiếc máy bay đã "bay đúng bài" và ông cũng sẽ làm như vậy nếu được yêu cầu làm cho một chiếc Boeing 777 biến mất. Tại Penang, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã hạ độ cao để ngắm nhìn quê hương. "Đó có thể là một lời tạm biệt dài và cảm động, hoặc là một lời tạm biệt ngắn ngủi và cảm động, với quê hương của anh ta".
Martin Dolan, cựu lãnh đạo Cục An toàn giao thông Australia (ATSB), người chỉ huy cuộc tìm kiếm MH370, loại trừ khả năng chiếc máy bay biến mất là do khủng bố và nói rằng chưa có phe phái nào nhận trách nhiệm cho sự việc. "Sự việc này đã được lên kế hoạch một cách có chủ ý trong suốt một thời gian dài".
Bình luận về việc vì sao không thu được tín hiệu gì nữa từ chiếc máy bay khi nó đổi lộ trình, Larry Vance, nhà điều tra tai nạn hàng không người Canada cho biết: "Vấn đề được thảo luận nhiều nhất là khi phi công tắt máy phát tín hiệu có thể cũng đã đồng thời làm giảm áp suất trong máy bay, khiến các hành khách bị bất tỉnh”.
"Không có lý do gì để không tin rằng phi công đã làm vậy, bởi cách lý giải đó sẽ thống nhất với mọi việc khác mà phi công đã làm".
Nếu chiếc máy bay không bị giảm áp suất, những người trên máy bay có thể đã có cơ hội tìm cách liên lạc với mặt đất. "Theo quan điểm của tôi, đó có lẽ là những gì đã xảy ra", Vance chia sẻ.
"Anh ta (phi công) đã tự sát. Không may là anh ta cũng đã sát hại tất cả những người khác trên máy bay. Anh ta chủ tâm làm chuyện đó".
Hardy cho rằng đã có ai đó điều khiển chiếc máy bay tới lúc nó rơi xuống biển. Đó là "một nhiệm vụ của một thành viên phi hành đoàn, tìm cách che giấu chiếc máy bay càng xa khỏi thế giới văn minh càng tốt".
Khu vực tìm kiếm MH370 được mở rộng. |
Trong một mô hình mô phỏng chiếc máy bay xuất hiện trong chương trình trên, ông đã mô tả cú bổ nhào tử thần đó. "Vậy là lúc này chúng ta đang bay mà không có động cơ nào, chúng ta chỉ như một con tàu lượn khổng lồ", ông nói.
Trong kịch bản đó, chiếc máy bay mất 9 phút để lao xuống biển, rơi ra ngoài khu vực được khoanh vùng tìm kiếm.
Dolan cảm thấy không được thuyết phục. "Tôi vẫn nghĩ sức nặng của bằng chứng... là cho dù vì bất cứ lý do gì, ít có khả năng có những đầu vào được kiểm soát vào cuối chuyến bay, và do đó chiếc máy bay đã rơi xuống nước theo hình xoắn ốc", ông nói.
Tuy nhiên, ATSB luôn chấp nhận khả năng rằng chiếc máy bay đã bị điều khiển để lao xuống biển một cách cố ý.
"Nếu đó đúng là những gì đã xảy ra, thì việc tìm xác máy bay sẽ gần như là không thể, và với những nguồn lực hiện có thì 'việc đó sẽ là bất khả thi'".
Nếu có khả năng rằng một phi công đã điều khiển máy bay đến phút cuối cùng, khu vực tìm kiếm sẽ được khoanh vùng khác đi.
Vance cho rằng, cơ trưởng của chuyến bay đã muốn chiếc máy bay biến mất. "Chiếc máy bay ở dưới đáy đại dương, theo quan điểm của tôi, phần thân máy bay vẫn còn nguyên vẹn, cánh trái vẫn chưa rơi ra, cánh phải có thể đã rơi, và các động cơ bị rời ra. Về cơ bản, bạn có bốn mảnh máy bay dưới đó. Nó không bị rải rác khắp đáy đại dương", ông nhận định.
John Cox, chuyên gia an toàn hàng không Hoa Kỳ nói rằng, ý kiến này có lý, nhưng "cú lao đầu đó không phải là việc có thể dễ dàng thực hiện".
Những cơn sóng cao 3-4m trên biển tại thời điểm đó có thể đã gây nhiều hư hại cho chiếc máy bay.