Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai

Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 15/05/2018

(HNM) - Thường trực HĐND TP Hà Nội nhận định, cần sớm rà soát, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cấp, ngành đối với các dự án chậm triển khai sau khi có quyết định giao đất, chủ trương đầu tư.


Giao đất 10 năm, vẫn “dậm chân tại chỗ”


Qua giám sát của HĐND thành phố, trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Điển hình như, dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Carton sóng của Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng (tại xã Cam Thượng) được giao đất năm 2008, đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng do có sự thay đổi về chính sách, chủ đầu tư không có khả năng bổ sung kinh phí. Tương tự, dự án xây dựng Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn của Công ty cổ phần Bê tông Vạn Trường Thành (xã Cam Thượng) được giao đất năm 2008, đến nay vẫn ở giai đoạn giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Tản Viên làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2008, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 158,34ha, nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn giám sát các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Ba Vì.


Trên địa bàn huyện Hoài Đức, tình hình cũng không khả quan hơn khi có đến 52 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, 19 dự án đã có quyết định thu hồi đất (hầu hết từ năm 2007-2008); 33 dự án chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng đã đồng ý chủ trương đầu tư. Điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà được giao hơn 50ha đất năm 2008 (thuộc hai xã An Khánh và An Thượng), đã giải phóng mặt bằng được 50%; Công ty cổ phần Sửa chữa ô tô Trung Thượng được giao đất năm 2007, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng… Cục Thuế Hà Nội cho biết, liên quan đến những dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Hoài Đức có 13 doanh nghiệp nợ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước hơn 800 tỷ đồng.

Còn tại huyện Mê Linh cũng có 47 dự án xây dựng đô thị, nhà ở chậm triển khai. Đa số các dự án này đều được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, sau khi sáp nhập về Hà Nội, một số dự án không phù hợp nên phải điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục thực hiện dự án. Đáng lưu ý, một số chủ đầu tư không liên hệ với huyện để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; một số dự án, UBND huyện không có hồ sơ và thông tin nên gặp khó khăn trong việc đôn đốc thực hiện theo quy định. Trong số này có 11 doanh nghiệp chậm triển khai dự án, đang nợ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước 410 tỷ đồng.

Làm rõ trách nhiệm

Giải trình với Đoàn giám sát HĐND thành phố, lãnh đạo UBND các huyện: Ba Vì, Hoài Đức, Mê Linh đều cho rằng, đa số các dự án chậm triển khai là do năng lực chủ đầu tư hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc hoặc do vướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị. Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, huyện có 33 dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 2007-2008, nhưng do ảnh hưởng của quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu đô thị của huyện nên phải điều chỉnh.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, còn do công tác quản lý đất đai, kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng của huyện hạn chế, nhất là việc quản lý mốc giới sang nhượng, chuyển đổi mục đích đất đồi gò chưa sát sao... Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang phản ánh, ngoài nguyên nhân chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, thì một số dự án đã được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, huyện thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.

Làm rõ thêm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, khó khăn của huyện Hoài Đức và Mê Linh là do việc cấp đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất chậm. Bên cạnh đó, do chính sách về đất đai, đầu tư xây dựng thay đổi, chồng chéo; văn bản hướng dẫn ban hành chậm, có nội dung khó triển khai trong điều kiện thực tiễn, dẫn đến tình trạng các thủ tục về đầu tư xây dựng thường kéo dài...

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, trong số dự án chậm triển khai của 3 huyện vẫn còn tồn đọng một số dự án có trong phần kiến nghị của HĐND thành phố khóa XIV đã giám sát năm 2012 (Báo cáo giám sát số 53/BC-HĐND của HĐND thành phố). Vì vậy, Đoàn giám sát của HĐND thành phố đề nghị 3 huyện bổ sung đầy đủ thông tin về các dự án chậm triển khai (gồm quy mô, mức độ, thời gian); làm rõ trách nhiệm việc chậm trễ của từng cấp, ngành, đơn vị. Sau rà soát, các huyện tiến hành thanh, kiểm tra, nếu chủ đầu tư dự án nào thiếu năng lực thì kiến nghị UBND thành phố kiên quyết thu hồi, giao cho các nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện.

Việt Tuấn