Động lực từ các phong trào thi đua

Chính trị - Ngày đăng : 07:28, 15/05/2018

(HNM) - 70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2018), khí thế thi đua thực hiện lời kêu gọi của Người vẫn vô cùng sôi nổi ở Thủ đô Hà Nội.


70 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2018), khí thế thi đua thực hiện lời kêu gọi của Người vẫn vô cùng sôi nổi ở Thủ đô Hà Nội. Khí thế đó cùng sự sáng tạo trong quá trình triển khai, thực hiện các phong trào thi đua của thành phố đã tạo động lực mới, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Khí thế thi đua sôi nổi


Thực hiện lời kêu gọi của Người, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cùng với cả nước, TP Hà Nội đã hưởng ứng và khởi xướng nhiều phong trào, mô hình thi đua như: “Hũ gạo cứu đói”, “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”… Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có các phong trào: “Vì miền Nam ruột thịt, mỗi người làm việc bằng hai”, “Tay cày tay súng, tay búa tay súng”; “Phụ nữ ba đảm đang, thanh niên ba sẵn sàng”…

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt


Trong thời kỳ xây dựng và phát triển Thủ đô, TP Hà Nội đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Từ năm 1990 đến nay, thành phố đã ban hành mới và sửa đổi 32 văn bản quy phạm về công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, năm 2015, TP Hà Nội đã phát động cuộc thi "Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên địa bàn TP Hà Nội". Ngay khi cuộc thi được phát động, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã quán triệt, thực hiện tích cực, khẩn trương. Nhiều đơn vị chỉ đạo duy trì tốt cuộc thi như các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mê Linh, Thanh Trì, Gia Lâm, Mỹ Đức…

Liên tục trong nhiều năm qua, TP Hà Nội đã lựa chọn chủ đề theo từng năm để tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, những khâu yếu, việc khó gắn với phong trào thi đua ái quốc. Điểm lại có thể thấy, các chủ đề “Năm kỷ cương hành chính” (2013), “Năm trật tự và văn minh đô thị” (2014, 2015, 2016), “Năm kỷ cương hành chính” (2017) và “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018” đều đã trở thành động lực để các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tích cực thực hiện các phong trào thi đua do thành phố và địa phương, cơ quan phát động.

Để triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, nhiều đơn vị đã chủ động đề ra cách thức thực hiện hiệu quả. Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Long Biên Nguyễn Thanh Thủy cho biết: “Ngay từ đầu năm, các đơn vị thuộc quận phải đăng ký nội dung, mô hình thi đua. Trong đó, từng nội dung phải nêu rõ mục tiêu đạt được một cách định lượng chứ không định tính. Đó chính là cơ sở để mỗi cá nhân, đơn vị phấn đấu thực hiện, đồng thời là căn cứ để quận chấm điểm và bình xét thi đua định kỳ”.

Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua và phong trào “Người tốt, việc tốt” đã có trên 24 nghìn "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu được thành phố biểu dương khen thưởng; hơn 32 vạn "Người tốt, việc tốt" ở cơ sở được các quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng. Trong đó, hầu hết là người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân, công chức, viên chức, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và người dân lao động trên địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay đã có 80 “Công dân Thủ đô ưu tú" được tôn vinh.

Tiếp tục đổi mới, sát thực tiễn

Kết quả nổi bật nữa của TP Hà Nội là các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng để các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào kết quả chung của thành phố. Trong đó, phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” sau hơn 10 năm phát động đến nay đã có hơn 125 nghìn sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, hơn 10 nghìn sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Thành phố đã tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” cho gần 1.000 cá nhân, trong đó có 650 sáng kiến, với tổng giá trị làm lợi 1.390 tỷ đồng.

Cùng với đó, trên nhiều lĩnh vực đều có sự chuyển biến ghi dấu ấn của quyết tâm thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đó là, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội từng bước được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012, và năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố - cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. TP Hà Nội hiện xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông…

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng: Trong mỗi giai đoạn cách mạng, phong trào thi đua yêu nước của TP Hà Nội có những mục tiêu, nội dung, hình thức khác nhau, song đều toát lên tinh thần tự giác của đông đảo quần chúng, cuốn hút mọi người, mọi nhà, mọi tổ chức. Qua đó, đã góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. “Thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng của thành phố sẽ tiếp tục duy trì tinh thần đó, đặc biệt là sẽ sát thực tế, không ngừng sáng tạo để tạo khí thế mới, động lực mới trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội” - ông Nguyễn Công Bằng khẳng định.

Hiền Thu