Đổi mới và phát triển hợp tác xã: Khắc phục yếu kém nội tại

Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 16/05/2018

(HNM) - Hiện nay, số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả còn ít; việc liên kết với doanh nghiệp còn lỏng lẻo; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Vì vậy, để thực hiện Đề án đổi mới và phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, phải giải quyết những khó khăn về con người và nguồn vốn hỗ trợ.


Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 30 liên hiệp và 11.688 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 962 hợp tác xã so với năm 2016. Tuy số hợp tác xã tăng nhưng đều nhỏ lẻ, hoạt động kém hiệu quả. Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Ma Quang Trung cho biết: Số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả còn ít (chiếm 35%) nên mô hình tổ chức của những đơn vị này chưa thuyết phục người dân tham gia. Sự liên kết của hợp tác xã và doanh nghiệp chưa phổ biến, hiệu quả chưa cao nên không thu hút được doanh nghiệp đầu tư liên kết vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Hiện tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản mới đạt 20,5%.

Nguyên nhân là nhận thức của người dân chưa đầy đủ về vai trò của hợp tác xã, cơ chế chính sách để thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 còn những điểm yếu. Ngoài ra, phần lớn các hợp tác xã đều thiếu vốn để hoạt động, mở rộng dịch vụ ngành nghề, năng lực trình độ quản lý của cán bộ còn yếu, nên chưa phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các thành viên tham gia.

Về góc độ quản lý ở địa phương, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, hiện các hợp tác xã chưa giải quyết được những yếu kém do quy mô nhỏ, cơ sở vật chất và vốn nghèo nàn, vốn lưu động thấp, khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Một số hợp tác xã nông nghiệp thực hiện chuyển đổi chậm, chỉ mang tính hình thức do doanh thu các ngành dịch vụ thấp, không đủ khả năng chi trả chi phí quản lý do tăng cán bộ quản lý trong hội đồng quản trị, ban kiểm soát theo quy định của luật. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, trình độ hạn chế, thiếu năng động, nhạy bén với thị trường.

Để thực hiện Đề án đổi mới và phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Các địa phương cần tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ quản lý; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các hợp tác xã; tạo cơ hội để các hợp tác xã tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ, bảo hiểm nông nghiệp. Các tỉnh nên lựa chọn một số hợp tác xã có quy mô phù hợp để xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm...

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tăng cường nguồn lực tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, thực hiện bảo lãnh tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về phát triển hợp tác xã trên địa bàn. Các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cơ sở, phân công trách nhiệm cho các thành viên, cử một phó chủ tịch UBND phụ trách kinh tế trực tiếp chỉ đạo, theo dõi tình hình hoạt động của hợp tác xã, báo cáo hoạt động của đơn vị trước cấp ủy Đảng, HĐND và UBND; chỉ đạo các hợp tác xã tổ chức đại hội thường niên để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm... nhằm đưa các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Ngọc Quỳnh