45.000 tỷ đồng thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
Kinh tế - Ngày đăng : 15:34, 17/05/2018
Ảnh minh họa |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp then chốt thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp xã, huyện) theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tín dụng.
Theo số liệu điều tra của Bộ NN&PTNT, tổng hợp từ khoảng 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, trong đó có khoảng 3.126 doanh nghiệp, cho thấy, các đơn vị kinh tế này đang tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế, thuộc các nhóm sản phẩm: Sản xuất đồ uống; thực phẩm; thảo dược; vải và may mặc; đồ lưu niệm - nội thất và trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn…
Tuy nhiên, mới có 1.086 sản phẩm có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 22,52%); 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 14,4%). Theo đánh giá, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có dư địa để phát triển nếu được chú trọng đầu tư và hỗ trợ phát triển.
Bộ NN&PTNT cho biết, triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào tháng 6-2018, Bộ chuẩn bị tổ chức hội nghị toàn quốc; đồng thời, xây dựng bộ máy quản lý, điều hành chương trình từ trung ương đến địa phương; xây dựng các dự án thành phần; lựa chọn và chỉ đạo điểm một số tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm chương trình...