Đối chất "nảy lửa" trong lời khai

Pháp đình - Ngày đăng : 17:28, 18/05/2018

Bước sang ngày làm việc thứ 4 của phiên sơ thẩm xét xử tai biến chạy thận tại tỉnh Hòa Bình, phần đối chất giữa bị cáo Hoàng Công Lương, điều dưỡng Đỗ Thị Điệp và điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) được chú ý hơn cả.

Các luật sư đặt câu hỏi với điều tra viên, điều dưỡng trong buổi xét hỏi sáng 18-5


Trong phần xét hỏi, luật sư Nguyễn Văn Chiến, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đặt những câu hỏi cho điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa liên quan đến thời điểm Hoàng Công Lương bị tạm giam như: Bị can Hoàng Công Lương đã yêu cầu mời luật sư bào chữa ngay giai đoạn đó, thủ tục điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa cấp giấy chứng nhận quyền bào chữa là bao lâu? Điều tra viên Nghĩa yêu cầu luật sư xem trong hồ sơ.

Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) đã nhận được đủ thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền bào chữa từ ngày 28-6-2017. Tuy nhiên, đến ngày 1-7-2017, khi lấy lời khai bị can Lương, vẫn chưa có thủ tục mời luật sư. Trong khi theo đúng quy định, thời gian từ khi nhận đủ giấy tờ đến khi cấp không quá 3 ngày.

Điểm được lưu ý tại ngày xét xử thứ 4 là luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị được đối chất với bị cáo Hoàng Công Lương. Bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định: “Kiểm sát viên và điều tra viên đã đưa lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực (thời điểm xảy ra vụ việc - PV) để bị cáo khai giống như vậy”.

Theo luật sư Chiến, sở dĩ phải hỏi lại như vậy bởi trong hồ sơ, lời khai của bị cáo Lương và ông Hoàng Đình Khiếu tại buổi họp cuối năm 2015 có 2 đoạn hầu như giống nhau.

Để làm rõ hơn, điều dưỡng Đỗ Thị Điệp được gọi lên đối chất. Điều dưỡng Điệp cũng khẳng định, trước khi ghi biên bản, điều tra viên cho chị xem điện thoại có ảnh chụp sổ giao ban buổi họp cuối năm, nên đã khai theo sổ rằng bác sỹ Hoàng Công Lương được phân công nhiệm vụ tại đơn nguyên thận nhân tạo.

Trước đó, chị Điệp khai chỉ tham gia phần bình xét đầu buổi họp, còn nội dung phân công nhiệm vụ chị không rõ.

Tuy nhiên, tại phần đối chất với chị Điệp, điều tra viên Nghĩa vẫn khẳng định: “Đây chỉ là ý kiến riêng của chị Điệp, cá nhân tôi vẫn giữ quan điểm của tôi”.

Cũng trong buổi sáng, tòa có hỏi đại diện của Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn về trách nhiệm trong sự cố tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, đại diện theo ủy quyền của Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn cho biết: Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) bày tỏ sự đau lòng về sự cố đáng tiếc xảy ra. "Nếu bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của những bệnh nhân chạy thận thì chúng tôi (Công ty Thiên Sơn - PV) chính là người nhà của họ trong ngôi nhà đó", luật sư Hương nói.

Cũng theo luật sư Hương, sau khi sự việc xảy ra, Công ty Thiên Sơn ngay lập tức đã bàn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cách hỗ trợ cho các bệnh nhân. Đó là tình cảm, chứ không phải là trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn.

Công ty Thiên Sơn đã đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có biện pháp hỗ trợ, nhưng rất nhiều lần không thành. Lúc đầu, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đồng ý, nhưng sau đó ông Dương không còn làm việc tại Bệnh viện. Đến khi bác sĩ Lê Xuân Hoàng làm Giám đốc Bệnh viện cũng đồng ý chủ trương đó. Tuy nhiên, do không đạt được thỏa thuận với Bệnh viện nên không có cách nào khác. 

Theo Lao động