Khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả

Đời sống - Ngày đăng : 07:01, 18/05/2018

(HNM) - TP Hồ Chí Minh là địa phương có nguồn nước ngầm hạn chế nhưng đang bị khai thác một cách bừa bãi.


Nhà máy khai thác nước ngầm tại xã Qui Đức, huyện Bình Chánh. Ảnh: Internet


Nguồn nước đang bị xâm hại

Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nhiều khu vực vẫn khai thác nước ngầm với công suất lớn, điển hình là các khu vực ngoại thành, các hộ gia đình nông thôn, xung quanh khu chế xuất - khu công nghiệp...

Cụ thể, tính đến nay, tổng lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố lên tới 716.581m³/ngày; trong đó, lượng khai thác nước ngầm thuộc đối tượng là hộ gia đình chiếm nhiều nhất (lên tới 355.859m³/ngày), tiếp đến là lượng khai thác nước ngầm bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp nhưng không phải hộ gia đình (lên tới 172.572m³/ngày).

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 136.000 giếng khoan, đào; trong đó có hàng chục nghìn giếng khoan, đào tự phát. Ghi nhận tại địa bàn các quận, huyện như quận 12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh..., phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy người dân vẫn giữ thói quen khoan nước giếng để sinh hoạt dù hệ thống nước sạch đã được "phủ sóng" tận nơi. Trong khi đó, kết quả giám sát chất lượng nước ngầm tại TP Hồ Chí Minh của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho thấy, hầu hết các nguồn nước giếng do người dân tự khai thác đều không đạt tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt ở các chỉ tiêu: pH, sắt và khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu ammonia. Thời gian qua, các ngành chức năng thành phố đã khuyến cáo người dân không tự khai thác nguồn nước ngầm để sinh hoạt, bởi nước ngầm nhiều khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, việc khai thác nguồn nước ngầm quá khả năng bù đắp của tự nhiên là một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt lún nền đất, gia tăng đáng kể khả năng xâm nhập mặn vào sâu trong thành phố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người, gây suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng tài nguyên nước. Ngoài ra, việc khai thác không kiểm soát có thể dẫn đến ô nhiễm thông tầng các mạch nước ngầm do sự xâm nhập các chất ô nhiễm từ nước thải, nước chảy tràn... làm suy giảm chất lượng nước.

Giảm tối đa lưu lượng khai thác

Theo ông Nguyễn Phát Minh (chuyên gia về địa chất thủy văn), địa chất TP Hồ Chí Minh rất dễ bị xâm nhập mặn, do đó cần phải khai thác hợp lý và có điều tiết để bảo vệ nguồn nước ngầm. Điều này đòi hỏi thành phố cần phân cấp công tác quản lý khai thác nước ngầm cho các địa phương, qua đó giám sát chặt chẽ việc khoan giếng lấy nước. Cũng theo ông Minh, TP Hồ Chí Minh đang bỏ sót một nguồn cung cấp nước quan trọng là nguồn nước mặt, hiện khá dồi dào và dễ dàng tái tạo.

Trong khi đó, ở góc độ quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ trương của UBND thành phố là phải đưa nước sạch đến 100% người dân nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm. Để thực hiện điều này, mới đây UBND thành phố đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025 giảm lưu lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố từ 716.581m³/ngày xuống còn 100.000m³/ngày.

Cụ thể, lượng khai thác nước ngầm của các hộ gia đình giảm từ 355.859m³/ngày xuống 28.000m³/ngày, trong khu chế xuất - khu công nghiệp giảm từ 58.150m³/ngày xuống còn 8.000m³/ngày, ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp (ngoại trừ hộ gia đình) giảm từ 172.572m³/ngày xuống 34.000m³/ngày và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) giảm từ 130.000m³/ngày xuống còn 30.000m³/ngày. Đồng thời, thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng được, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước.

Là đơn vị đang khai thác lượng nước ngầm khá lớn, nhưng đại diện Sawaco vẫn ủng hộ chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm của thành phố. Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, do tính chất quan trọng của nguồn nước ngầm (là nguồn nước phù hợp cho các mục tiêu dự phòng chiến lược, cấp nước trong các điều kiện khẩn cấp, đặc biệt khi xảy ra sự cố đối với nguồn nước mặt) cần phải có các biện pháp hạn chế khai thác và từng bước đưa nước ngầm vào nguồn nước dự phòng chiến lược. Tuy nhiên, để bảo vệ nguồn nước ngầm hiệu quả đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai thực hiện các giải pháp như chế tài mạnh mẽ đối với các hành vi khai thác nguồn nước ngầm trái phép; không cấp phép khai thác nước ngầm cho chủ đầu tư các công trình tại một số khu vực cần phải hạn chế khai thác; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương trong công tác quản lý việc khai thác nguồn nước ngầm.

Trước kế hoạch giảm khai thác nước ngầm theo yêu cầu của thành phố, ông Bùi Thanh Giang cho biết, đơn vị này đã và sẽ áp dụng giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm. Cùng với đó là phát triển các nhà máy nước theo từng giai đoạn, đồng thời đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ưu tiên phát triển tại những vùng cấm hoặc hạn chế khai thác nước ngầm. Đồng thời, trong thời gian tới ngành cấp nước TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan sẽ triển khai xây dựng bản đồ quy hoạch vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố để công tác quản lý nhà nước chặt chẽ, hiệu quả.

Nguyễn Lê