Một không gian văn hóa đọc dung dị

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:18, 18/05/2018

(HNM) - Nằm cạnh Khu Di tích lịch sử gò Đống Đa, quầy sách báo miễn phí của bà Phạm Thị Huyền Dung đã trở thành điểm đến của nhiều người. Tuy dung dị, đời thường, nhưng không gian văn hóa đọc này đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa giữa lòng Thủ đô.


Từ tờ báo Hànộimới...


Hơn một năm nay, cứ 7h sáng, ông Nguyễn Xuân Ánh (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) đã có mặt tại quầy sách báo miễn phí để đọc những tờ báo mới còn thơm mùi giấy. Gọi là “quầy” nhưng thực ra đó chỉ là những giá sách và tủ kính xếp ở góc phố Đặng Tiến Đông, cạnh gò Đống Đa, do bà Phạm Thị Huyền Dung gây dựng. Biển hiệu chỉ là một mảnh bạt nhỏ mang dòng chữ do chính tay bà viết: “Kính mời nhân dân đọc sách báo miễn phí”, vậy mà mỗi ngày thu hút hàng chục lượt người đến đọc

Người dân tìm đọc sách tại quầy sách báo miễn phí của bà Dung.


Kể về sự ra đời của quầy sách báo, bà Dung cho biết, từng là giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khi về hưu, bà vẫn luôn duy trì sở thích đọc sách, báo. Xuất phát từ việc được biếu Báo Hànộimới mỗi ngày đối với đảng viên được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng trở lên, đọc xong rồi cất đi rất lãng phí, nên bà tìm cách làm sao có nhiều người cùng được đọc. Bà Dung kể: “Khi mới gây dựng quầy sách báo, chỉ có một tờ báo Hànộimới thì quá ít nên tôi trích lương hưu mua thêm Báo Nhân Dân, Pháp luật và Đời sống, Người cao tuổi, đặt cùng tờ báo Hànộimới được phát miễn phí. Dần dần có nhiều người ra đọc và còn tặng thêm sách, báo nữa”.

Quầy sách báo tuy đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng phong phú, từ những quyển sách cũ cho đến những quyển còn mới và còn có nhiều cuốn sách quý. Từ một tờ báo Hànộimới nay lên tới gần một nghìn đầu sách, báo các loại… Hằng ngày, 6h30 bà mở cửa và 23h30 mới đóng quầy. “Cũng có hôm không ngủ được, tôi dậy mở quầy sách báo từ 5h sáng" - bà Dung cho biết. Không chỉ giúp mọi người tìm sách, bà còn chuẩn bị cả kính lão, bàn ghế, nước uống… để phục vụ người đọc sách.

“Những chiếc giá cũ kỹ hay mới tinh này đều là của người dân xung quanh tặng. Cái quạt này do một chú trong tổ dân phố ủng hộ. Cái kệ này của một anh ở thị xã Sơn Tây mang đến; mấy cô thu gom giấy vụn đi qua cũng ủng hộ mấy quyển truyện…” - bà Dung cho hay. "Không có sự giúp đỡ của mọi người thì không thể có được quầy sách báo như bây giờ. Nhiều người ủng hộ sách lắm, nhưng tôi chưa dám nhận vì sợ không có chỗ để và không bảo quản được. Cũng có người nói tôi "dở hơi" làm việc không công, nhưng mỗi ngày đặt sách báo lên quầy, thấy các cụ, các cháu say sưa đọc, tôi rất vui”.

Không chỉ chăm lo quầy sách báo, bà Dung còn là "đầu mối", thu thập sách giáo khoa tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2017, bà Dung đã tập hợp được 9 hòm sách giáo khoa gửi cho học sinh ở tỉnh Cao Bằng. “Năm nay, tôi đã quyên góp và thu thập thêm nhiều sách để tiếp tục gửi cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Lai Châu” - bà Dung cho biết.

Kết nối tình yêu với sách

Từ những ngày đầu chỉ có vài người hiếu kỳ ghé xem, đến nay, ngày nào, quầy sách báo miễn phí của bà Dung cũng có hàng chục lượt người đến mượn và đọc sách. Từ những em nhỏ mới học lớp 1, lớp 2, tan trường là ùa đến quầy sách để đọc truyện tranh, đến các cụ già cũng đến với sách tìm niềm vui mỗi ngày. Mấy chiếc bàn nhỏ lúc nào cũng kín người đọc, mọi người rôm rả bàn thảo đủ mọi thông tin trên các mặt báo hằng ngày...

Ông Nguyễn Xuân Ánh vừa mở tờ báo, vừa chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng qua đây hai lần, sáng và chiều để đọc sách, báo. Tôi khâm phục nghị lực của bà Dung. Hoàn cảnh rất khó khăn, vậy mà bà vẫn dành tiền bạc, công sức góp phần phát triển văn hóa đọc cho mọi người”. Còn anh Kiều Quang Ba, một bạn đọc nhận xét: “Tôi không thấy ai chu đáo như bà Dung. Nhiều hôm tôi đi làm về, đã 12h đêm, trời thì mưa vẫn thấy bà loay hoay che chắn cho sách, báo không bị ướt”.

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở quận Cầu Giấy, dù tuổi cao, mắt kém nhưng vẫn thường xuyên có mặt tại quầy sách, báo. Ông cho biết: “Quầy sách báo của bà Dung hay lắm. Đọc sách báo để mở mang kiến thức và hiểu hơn về lịch sử, hiểu hơn chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuần nào tôi cũng đến đây hai, ba lần". Bà Vũ Thị Thảnh, nhà gần đó cũng dẫn theo cháu nội đang học lớp 3, mỗi bà cháu một quyển chăm chú đọc. Bà Thảnh nói: “Từ ngày có quầy sách báo của bà Dung, cháu tôi ham đọc, ham học hẳn, ngày nào cũng ra mượn sách, không còn cắm cúi xem tivi hay điện thoại nữa”. Là đồng nghiệp và cũng là độc giả gắn bó với quầy sách báo miễn phí từ ngày đầu, bà Vũ Thị Tuyết vì yêu mến không gian nhỏ này đã làm mấy bài thơ tặng bà Dung. Bà Tuyết chia sẻ: “Nơi đây giống như địa điểm thư giãn của chúng tôi. Nhiều người tìm đến đây không chỉ được đọc sách báo miễn phí mà còn được chia sẻ những câu chuyện của tuổi già…”. Cũng nhờ quầy sách báo này, nhiều cha mẹ có con học Trường Tiểu học Quang Trung phía bên kia đường cũng rất yên tâm khi con ra ngồi đọc sách, chờ bố mẹ đến đón.

“Bà Dung ơi, bà cho cháu mượn quyển sách này nhé!”, “Bà Dung hôm nay có sách mới gì không ạ?”, “Bà Dung cho con xin chén nước!”… Đó là những yêu cầu mà bà Dung thấy vô cùng đáng yêu. Với bà, quầy sách báo không chỉ là nơi để mọi người quan tâm chia sẻ và gần gũi nhau, mà còn là nơi truyền cảm hứng văn hóa đọc đến với mọi người.

Chung công việc lặng thầm này với bà Dung còn có không ít sinh viên thường xuyên đến đọc sách và giúp đỡ bà sắp xếp, trông nom quầy sách báo. Nguyễn Minh Thúy, sinh viên năm thứ hai Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu đến đây, em không ngờ có một người phụ nữ cao tuổi lại tâm huyết với sách đến vậy. Em sẽ giới thiệu bạn bè điểm đọc sách báo này và bản thân cũng học được nhiều điều từ tình yêu sách của bà Dung”.

Một người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi, vóc người nhỏ nhắn lại làm một công việc đáng quý đến vậy không phải ai cũng làm được. Có lẽ vì vậy, mọi người đến đọc sách báo còn để lại lưu bút, tặng ảnh cho bà như lời cảm ơn đối với một tấm lòng nhân hậu. Bà Dung chỉ có tâm nguyện: “Tha thiết mong thế hệ trẻ chịu khó đọc sách nhiều hơn và hy vọng quầy sách báo miễn phí sẽ được phát triển rộng rãi, để người dân trở lại với văn hóa đọc đang dần bị mai một”.

Dương Linh