Xây dựng Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên: Yêu cầu cấp bách
Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 18/05/2018
Khu đất quy hoạch xây dựng Trạm biến áp Phú Xuyên đến nay đã được các hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng. Ảnh: Anh Tuấn |
Nguồn điện không đủ đáp ứng nhu cầu
Cách trung tâm Thủ đô 40km, phía Bắc giáp huyện Thường Tín, phía Tây giáp huyện Ứng Hòa; phía Nam giáp huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), đến nay kinh tế huyện Phú Xuyên vẫn chủ yếu là nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp đang phát triển. Hiện tại, Phú Xuyên vẫn là một trong những huyện khó khăn, mới cân đối được 10% chi hằng năm, còn lại thành phố vẫn phải bù 90% ngân sách chi. Các tiềm năng về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, du lịch dù đã đi đúng hướng, nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những yếu tố dễ nhận thấy nhất là về nhu cầu năng lượng. Hiện, trên địa bàn huyện chưa có trạm biến áp (TBA) 110kV, nên phụ thuộc vào khả năng cung cấp điện năng của TBA 110kV Tía thuộc huyện Thường Tín. Thế nhưng, TBA 110kV Tía cũng đang trong tình trạng đầy tải, chỉ đủ cấp điện phục vụ cho huyện Thường Tín, nên đã, đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của huyện.
Ông Nguyễn Tạ Tấn (tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên) băn khoăn: "Thị trấn Phú Xuyên được thành lập từ 1986, đến nay phát triển kinh tế chậm hơn nhiều so với các địa phương lân cận như các thị trấn: Thường Tín, Đồng Văn (tỉnh Hà Nam). Nguyên nhân bởi nhu cầu sử dụng điện rất lớn, nhưng địa phương chưa có TBA 110kV để cung cấp điện cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, mà phụ thuộc vào khả năng cấp điện của TBA 110kV Tía (huyện Thường Tín). Trong 2 năm trở lại đây, mặc dù ngành Điện đã đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện hạ thế, nhưng tình trạng điện yếu, mất điện vẫn thường xuyên xảy ra. Mất điện còn dẫn đến thiếu nước sinh hoạt. Do đó, việc xây dựng TBA mới tại huyện là rất cần thiết...".
Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng và thương mại An Gia (thị trấn Phú Xuyên) thì công ty chuyên gia công sản xuất, thi công lắp đặt máy công trình và kết cấu thép, do đó nhu cầu sử dụng điện lớn. Nhưng do sử dụng chung hệ thống lưới điện sinh hoạt khu dân cư, nên điện năng rất yếu, ảnh hưởng đến quá trình vận hành máy móc, thiết bị. "Chúng tôi muốn đầu tư thêm dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm tăng năng lực sản xuất, nhưng bất cập là sợ điện áp quá tải, ảnh hưởng đến lưới điện chung của khu dân cư nên phải lùi lại. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của doanh nghiệp" - ông Thảo chia sẻ. Tương tự, tại tiểu khu Phú Mỹ (thị trấn Phú Xuyên), ông Vũ Văn Đang, chủ xưởng sản xuất bàn ghế inox cho biết, điện áp tại khu vực khá chập chờn, thỉnh thoảng lại mất điện đột ngột, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Ông Đang mong muốn địa phương sớm có TBA riêng nhằm bảo đảm nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Xây dựng đúng quy hoạch, bảo đảm an toàn
Nhiều cơ sở sản xuất tại thị trấn Phú Xuyên bị ảnh hưởng do nguồn điện không ổn định. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng và Thương mại An Gia.Ảnh: Anh Tuấn |
Tại cuộc họp báo do Huyện ủy Phú Xuyên tổ chức sáng 16-5, thông tin về việc triển khai dự án xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên, Chánh Thanh tra UBND huyện Nguyễn Lương Khải một lần nữa nêu rõ, mặc dù vị trí đặt TBA mới đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm đúng quy hoạch và an toàn sức khỏe, song một số hộ dân vẫn có đơn kiến nghị gửi các cơ quan trung ương. Đáng nói là các hộ này đều không liên quan tới phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kiểm tra trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư của dự án. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã có Văn bản 3303/BCT-ĐL (ngày 27-4-2018) trả lời công dân, trong đó khẳng định việc xác định vị trí xây dựng TBA từ xứ đồng Thạng Nội (vị trí ban đầu đặt TBA cách khu dân cư khoảng 40m) sang vị trí mới tại cánh đồng Chéo B, tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên (cách khu dân cư khoảng 170m) đã được tính toán, lựa chọn và điều chỉnh phù hợp với Quy hoạch chung của TP Hà Nội, của huyện, cũng như quy hoạch phát triển của ngành Điện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công nêu rõ, việc chậm xây dựng TBA 110kV không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, mà còn làm mất cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Còn theo ông Nguyễn Danh Duyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, hiện nay việc xây dựng TBA này đã chậm so với tiến độ và nếu không triển khai trong năm 2018 sẽ không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe người dân, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án lưới điện Hà Nội thông tin thêm, về khoảng cách an toàn tính từ thiết bị mang điện là 4m. "Trong khi đó, TBA 110kV Phú Xuyên có tường rào bảo vệ xung quanh, tường rào trạm cao 5,5m so với cốt đất canh tác hiện trạng, khoảng cách gần nhất từ thiết bị đến tường rào là 10m. Như vậy, mọi hoạt động của nhân dân bên ngoài hàng rào là tuyệt đối an toàn. Trên địa bàn Hà Nội, nhất là khu vực nội đô có nhiều TBA 110kV tồn tại xen kẽ với nhà dân từ hàng chục năm qua, nhưng chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào về ảnh hưởng tới sức khỏe người dân" - ông Thanh nhấn mạnh thêm.
Hiện, 4 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng của dự án (tổng diện tích 5.000m2) đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục thông báo, quán triệt nội dung các văn bản liên quan đến dự án này; tổ chức khoan địa chất, kiểm đếm, niêm yết công khai việc đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để sớm triển khai thi công, đưa TBA vào sử dụng trong năm 2019. |