Kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 18/05/2018
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng không cao, nhưng không thể xem thường trong bối cảnh còn một số yếu tố có thể diễn biến bất lợi và kích đẩy CPI tăng mạnh ngoài dự báo.
Trước hết, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang tiếp đà gia tăng, đạt mức trên 70 USD/thùng. Điều đó khiến các loại sản phẩm hóa dầu gồm xăng, dầu cũng tăng theo; đơn cử xăng RON 92 giá hiện lên tới gần 85 USD/thùng. Đây cũng là ngưỡng giá cao hơn hẳn so với cùng kỳ nhiều năm gần đây và sẽ là nguy cơ tiềm ẩn làm tăng mức độ lạm phát bởi nước ta thường xuyên phải nhập khẩu đến hơn 2/3 nhu cầu nhiên liệu. Như vậy là “lợi bất cập hại” vì giá xăng dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất và lưu thông, nhóm có tầm quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả CPI .
Các đợt điều chỉnh giá xăng dầu gần đây đều có kết quả là tăng giá, khiến chỉ số nhóm giao thông tăng lên. Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), chỉ tính việc điều chỉnh giá xăng dầu hai đợt trong tháng 4 vừa qua đã làm giá xăng tăng gần 600 đồng/lít, giá dầu tăng thêm hơn 1 nghìn đồng/lít và từ đó làm cho CPI tăng thêm 0,11%. Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) cho rằng, giá dầu thế giới là biến số khó lường và phức tạp; rất khó đoán định.
Thực tế cho thấy, CPI được cấu thành bởi 11 nhóm hàng, dịch vụ khác nhau. Như vậy, ngoài hai nhóm mang tính bất ổn và bất lợi nói trên là “thủ phạm” kích CPI tăng thì vẫn còn 9 nhóm để tập trung, điều chỉnh. Cụ thể là, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu CPI nhưng từ lâu đã được khống chế, đưa về tầm kiểm soát. Cốt lõi là do sản lượng các loại nông sản và chăn nuôi, thủy sản đang trên đà tăng trưởng tốt, với nguồn cung dồi dào, chất lượng bảo đảm và đa dạng về chủng loại.
Ngoài ra, nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình cũng trong tầm kiểm soát do nguồn cung đã vượt cầu cũng như hầu hết gia đình đều đã trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ đời sống hằng ngày. Tương tự, nhóm giày dép, quần áo, mũ nón vốn chiếm tỷ trọng thấp trong CPI cũng như thực tế nguồn cung đã vượt cầu nên không còn lo ngại về sự tăng giá; có chăng chỉ là cục bộ, không đáng ngại.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, cần quan tâm thỏa đáng và liên tục đến diễn biến thị trường nội địa, với dung lượng rất lớn gồm 90 triệu người tiêu dùng; từ đó nghiên cứu, áp dụng đối sách phù hợp nhằm khống chế lạm phát một cách có hiệu quả. Các doanh nghiệp cần tự giác hợp tác với nhau, đáp ứng yêu cầu đầu vào cho nhau để giảm giá thành, từ đó góp phần giảm giá thành phẩm bán ra thị trường. Cần làm tốt từ hoạt động sản xuất đến phân phối tiêu dùng nhằm duy trì nhịp độ kinh doanh cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm lợi ích người tiêu dùng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kiềm chế lạm phát là yêu cầu thường xuyên; dù có thể phải đối phó với tình huống khó lường, bất lợi nhưng nhìn chung vẫn trong tầm điều hành, quản lý một cách chủ động của Chính phủ và các cơ quan chức năng.