Nợ đọng xây dựng cơ bản xây dựng nông thôn mới: Đã giảm đáng kể!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:54, 19/05/2018
Cần tăng cường kiểm tra các dự án tại cơ sở để tăng hiệu quả đầu tư và không nợ đọng xây dựng cơ bản. Ảnh: Anh Tuấn |
Giảm gần 70% số nợ đọng
Theo Bộ NN&PTNT, nợ đọng xây dựng cơ bản trong nông thôn mới thời gian qua giảm nhanh. Nếu như đầu năm 2016, cả nước còn nợ đọng hơn 15.000 tỷ đồng thì đến nay chỉ còn hơn 4.900 tỷ đồng (giảm gần 70%). Cụ thể, đến hết ngày 31-1-2018, toàn quốc đã có 26/63 tỉnh, thành phố không còn nợ đọng xây dựng cơ bản. Đặc biệt, 10 địa phương có số nợ lớn nhất cả nước ở thời điểm tháng 1-2017 đến nay đã xử lý xong, như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội... Điển hình như huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), tháng 1-2016, nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến 398 tỷ đồng nhưng đến nay đã cơ bản xử lý xong nợ và được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Hà Nội là địa phương có chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo UBND TP Hà Nội, đến hết ngày 31-12-2014, lũy kế nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hơn 1.861 tỷ đồng. Tháng 6-2016, thống kê của liên sở (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính), Hà Nội có 5 huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn với tổng số nợ hơn 557 tỷ đồng của 1.156 dự án. Nguyên nhân dẫn đến nợ chủ yếu do các huyện xây dựng cơ bản vượt kế hoạch vốn giao, không bố trí được vốn đối ứng… Tuy vậy, với nhiều giải pháp hiệu quả, nợ đọng xây dựng cơ bản tại Hà Nội đã được giải quyết triệt để. Cụ thể, đến hết năm 2015, TP Hà Nội đã giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ còn hơn 951 tỷ đồng; đến hết năm 2016, còn hơn 464 tỷ đồng và đến hết năm 2017, Hà Nội đã xử lý dứt điểm, không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.
Quyết liệt tháo gỡ
Xây dựng giao thông nội đồng tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm. Ảnh: Trọng Tùng |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương với những giải pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể. Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Chỉ thị như: Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 10-10-2012; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28-6-2013 và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30-4-2015 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tại Hà Nội, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, bên cạnh việc thực hiện các chỉ đạo từ trung ương, thành phố đã ban hành nhiều văn bản tăng cường chỉ đạo nhằm giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ năm 2014, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách nhà nước và xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản.
Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai giao dự toán và chấp hành dự toán của các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành thuộc thành phố. Đặc biệt, Hà Nội đã dành nguồn tăng thu ngân sách để trả nợ nhằm xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản năm 2015; không phê duyệt dự án, khởi công dự án khi không xác định được nguồn vốn thực hiện; không yêu cầu các đơn vị ứng vốn thi công. Hằng năm, HĐND thành phố tổ chức các đoàn giám sát, trong đó có giám sát việc bố trí vốn xử lý nợ xây dựng cơ bản.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, năm 2016, UBND thành phố tiếp tục có Thông báo số 371/TB-VP (ngày 18-12-2015), trong đó yêu cầu chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND thành phố về việc không thực hiện triệt để nợ xây dựng cơ bản và để phát sinh nợ mới; đồng thời, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ cho các huyện còn nợ xây dựng cơ bản nhiều để trả nợ thuộc phần trách nhiệm của huyện và xã. Trong năm 2017, TP Hà Nội tiếp tục quan tâm chỉ đạo và bố trí nguồn vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các huyện.
Tương tự, sự chỉ đạo quyết liệt được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhận định: Nếu các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì được tiến độ như hiện nay, thì khả năng sẽ hoàn thành việc xử lý nợ theo đúng chỉ đạo của Trung ương. Đối với số nợ đọng xây dựng cơ bản tính tới thời điểm này (hơn 4.900 tỷ đồng), Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách của chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 để xử lý dứt điểm, trả xong nợ thì mới đầu tư công trình khác.
Là người trực tiếp theo dõi và tham mưu thực hiện công tác xây dựng cơ bản tại địa phương, chuyên viên Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện Mê Linh Tạ Thành Nam cho rằng, để không phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới, rất cần có kế hoạch trong đầu tư công, xác định nguồn vốn rõ ràng, chỉ khởi công công trình khi có vốn; tăng cường kiểm tra việc triển khai các dự án tại cơ sở. Tại Mê Linh, trong trường hợp những dự án đã bố trí vốn nhưng triển khai chậm, huyện đã điều chuyển vốn sang các công trình khác để đẩy nhanh tiến độ nhằm tăng hiệu quả đầu tư và không nợ đọng xây dựng cơ bản.