Tập trung xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên
Chính trị - Ngày đăng : 07:21, 19/05/2018
Điều đó đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, trong các giải pháp về công tác cán bộ, cần đặc biệt chú trọng tập trung xây dựng phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thành ủy Hà Nội thường xuyên chăm lo tới đội ngũ cán bộ chiến lược cấp thành phố, thông qua việc mở các lớp cán bộ nguồn trong diện quy hoạch. Ảnh: Viết Thành |
1. Trong phong cách công tác thì tác phong làm việc quần chúng là quan trọng nhất, trong đó phải đặt lên hàng đầu là phong cách làm việc dân chủ. Thực hiện tốt dân chủ thì người dân sẽ có sáng kiến và hăng hái. Xây dựng phong cách làm việc quần chúng, cán bộ phải hiểu dân, biết học, hỏi dân chúng để lãnh đạo tốt; phải nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, từ đó đặc biệt quan tâm dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hành dân vận.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân thông minh, tài trí, sáng tạo; cái gì cũng nghe, cũng thấy. Vì vậy, cán bộ không được coi ý kiến của mình là chân lý tuyệt đối, mà phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, gần gũi, “xắn quần” đi cơ sở, lắng nghe dân, cả ý kiến thuận và “nghịch”. Phong cách làm việc quần chúng là khi cán bộ có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Quan trọng hơn là phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo.
Quan trọng nhất và có ý nghĩa xuyên suốt trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên là mọi việc làm hằng ngày, suốt đời, việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng làm; việc gì có hại cho dân, dù nhỏ mấy cũng tránh. Cán bộ phải hiểu rằng, nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực, lợi ích chung, lợi ích riêng, lợi ích bộ phận, lợi ích toàn cuộc, lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài. Nhân dân không thích những cán bộ nói suông, nói hay làm dở. Bác dạy rằng “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ quý mến. Họ chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức”. Những cán bộ “nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần”, một việc nhỏ cũng không hoàn thành là những cán bộ thường mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh, đóng cửa lại mà ra chương trình, kế hoạch rồi cột vào dân chúng, bắt dân chúng làm. Tác phong làm việc “đóng chân cho vừa giày” kiểu đó xa lạ với phong cách làm việc quần chúng, cần phải được loại bỏ khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay cần phải xây dựng phong cách làm việc nêu gương. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo đứng đầu có một ý nghĩa to lớn bởi vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Biểu hiện hàng đầu của nêu gương là mỗi cán bộ, đảng viên phải chính tâm, tu thân. Muốn đánh thắng kẻ thù bên ngoài trước hết mỗi người phải đánh thắng lòng tà trong mình. Bác dạy rằng, mình không cần, kiệm, liêm, chính mà bảo người khác làm là vô lý. Mình phải đứng đắn, mực thước trước thì mới nói được người khác làm. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thiếu một đức thì không thành người. Tấm gương của người đứng đầu có sức lôi cuốn, thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân. Gương sáng thì dân soi, gương mờ thì dân quay lại. Vì vậy, mỗi lời nói, hành động của người đứng đầu phải tỏ rõ được sự gương mẫu để có sức lan tỏa, truyền cảm hứng tới mọi người.
2. Trước bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), việc xây dựng phong cách làm việc khoa học cho cán bộ, đảng viên cũng hết sức cần thiết. Xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp, người Việt Nam có những hạn chế do mang nặng tư duy tiểu nông. Đó là một trở lực lớn trên con đường phát triển của đất nước. Vì vậy, cần có một phong cách làm việc khoa học, mà biểu hiện trước hết là làm việc gì cũng phải có mục đích rõ ràng. Cán bộ phải đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình. Làm việc phải có chương trình cụ thể, rõ ràng, sát hợp. Sau khi đã có kế hoạch thì việc tổ chức thi hành, biện pháp, quyết tâm có ý nghĩa quyết định.
Làm việc khoa học là phải thiết thực, có trọng điểm, cụ thể, kịp thời. Đặc biệt là phải có kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Sau khi có chính sách đúng, vấn đề còn lại có ý nghĩa quyết định là việc tổ chức công việc, chọn cán bộ và kiểm tra. Cuối cùng là việc tổng kết, rút kinh nghiệm thành công và chưa thành công riêng từng bộ phận và chung cho toàn bộ công việc.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là sự trở về đích thực với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ di sản của Người, hiện nay, Đảng ta nhấn mạnh đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ những tố chất của người lãnh đạo đứng đầu. Đó là ý thức chính trị cao mà cao nhất là trong mỗi suy nghĩ và hành động phải luôn đặt lợi ích của dân tộc và Tổ quốc lên trên hết. Nói ngắn gọn là chí công vô tư, tránh xa sự cám dỗ của danh lợi. Phải có trí tuệ cao, đặc biệt tư duy chiến lược. Phải có dũng khí của người lãnh đạo đứng đầu, quan trọng nhất là trước lợi ích của nhân dân và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm phải có bản lĩnh đặt lợi ích của nhân dân lên trước. Phải biết bảo vệ cái đúng, cái thiện, chống lại sự dối trá, lừa lọc.
Đảng ta nhấn mạnh sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.