Xây dựng nhà vệ sinh trường học: Điệp khúc "tiền đâu"?

Giáo dục - Ngày đăng : 06:27, 20/05/2018

(HNM) - Hầu hết điểm trường của các cấp học trên địa bàn Hà Nội đều có hệ thống công trình phụ để phục vụ học sinh. Tuy nhiên, đối chiếu với hệ thống quy chuẩn xây dựng Việt Nam dành cho trường học, còn nhiều nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn và chưa đủ số lượng.

Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn.


Chỉ 22% nhà vệ sinh sử dụng tốt

Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 2.149 trường công lập, trong đó có 1.669 trường có hệ thống nhà vệ sinh cơ bản bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Y tế, đạt tỷ lệ 78%. Đáng chú ý, chỉ có 22% số nhà vệ sinh được đánh giá sử dụng tốt, tương đương hơn 400 nhà vệ sinh.

Ngoài ra, còn hàng nghìn nhà vệ sinh thiếu các trang thiết bị cần thiết theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Đơn cử, theo quy định đối với trường tiểu học, khu vệ sinh phải có diện tích tối thiểu 0,06m2/học sinh; trong đó, nhà vệ sinh nam phải có 1 bồn rửa tay, 1 bệ xí và 1 tiểu nam cho từ 20 đến 30 học sinh; nhà vệ sinh nữ phải có 1 chậu xí cho 20 học sinh nữ. Tương tự, ở cấp trung học, mỗi khu vệ sinh phải có tối thiểu 1 tiểu cho 30 học sinh nam, 1 chậu xí cho 20 học sinh nữ.

Có mặt tại một số trường học trên địa bàn huyện Thạch Thất, phóng viên Báo Hànộimới càng cảm nhận rõ những thiếu thốn, hạn chế của các công trình này. Trường Tiểu học Lại Thượng (xã Lại Thượng) có 2 điểm trường, nhưng chỉ 1 nơi có nhà vệ sinh riêng cho giáo viên, học sinh; điểm còn lại chỉ có 1 nhà vệ sinh tạm. Mặc dù có mái che, nhưng nhà vệ sinh rất chật hẹp, chỉ bằng 1/3 so với quy định. Trường Tiểu học Phú Kim (xã Phú Kim) cũng chung tình cảnh.

Ba điểm trường của đơn vị này có nhà vệ sinh, song đều chật, thiếu thiết bị. Ông Phạm Toàn Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điểm trường ở khu trung tâm chưa có nước sạch, nước giếng khoan cũng không có, toàn bộ nước để phục vụ sinh hoạt của cô và trò nhà trường đều phải đi mua. Vì vậy, việc bảo đảm vệ sinh chung ở trường lớp và ở nhà vệ sinh chỉ ở mức hạn chế. Mối lo của trường đang ngày càng lớn khi quy mô học sinh qua mỗi năm học đều tăng.

Năm học 2017-2018, trường có gần 800 học sinh, dự báo sẽ tăng khoảng 150 học sinh vào năm học tiếp theo, trong khi điều kiện cơ sở vật chất của trường ngày càng xuống cấp, các hạng mục phụ trợ, trong đó có nhà vệ sinh thiếu thốn và chưa bảo đảm theo chuẩn.

Vướng nhất kinh phí

Nhà vệ sinh là hạng mục quan trọng, góp phần bảo đảm sức khỏe học đường.


Tại hội nghị "Hà Nội năm 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển", việc kêu gọi đầu tư cho giáo dục, trong đó có hạng mục nhà vệ sinh trường học là nội dung được lãnh đạo thành phố và các sở, ngành... đặc biệt quan tâm. Thành phố đã giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát, xây dựng kế hoạch cải tạo hoặc xây mới nhà vệ sinh cho các trường tiểu học và THCS công lập. Tuy nhiên, theo báo cáo tiến độ rà soát triển khai các cam kết tài trợ sau hội nghị nói trên của Sở GD-ĐT, các đầu việc mới chỉ rục rịch triển khai.

Ông Nguyễn Như Hòa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT) cho biết: Căn cứ kết quả rà soát, số khu vệ sinh trường học trên địa bàn Hà Nội cần cải tạo, xây mới là hơn 3.700, tổng kinh phí ước tính gần 470 tỷ đồng. Sau hội nghị nói trên, có một doanh nghiệp đã tài trợ 40 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số thủ tục chưa hoàn thiện nên chưa thể tiếp nhận tài trợ.

Để giải quyết những hạn chế trước mắt về vấn đề nhà vệ sinh trong trường học, tùy điều kiện cụ thể, từng địa phương lại có cách làm khác nhau. Quận Thanh Xuân là đơn vị điển hình trong việc "mạnh tay" dành kinh phí từ ngân sách để cải tạo, xây dựng lại toàn bộ nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn. Mỗi đơn vị được đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng để cải tạo, xây mới nhà vệ sinh theo đúng quy chuẩn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa khó khăn, ít nơi có khả năng làm được như quận này. Các huyện như Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa... đều đang đứng trước khó khăn về việc phải xây mới thay thế hàng trăm phòng học xuống cấp, học nhờ, học tạm... để bảo đảm chỗ học và an toàn cho học sinh, vì vậy, việc xây dựng nhà vệ sinh là vấn đề ít đơn vị nào dám tính tới lúc này.

Ông Nguyễn Tương Lai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lại Thượng (xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) cho biết: Nhiều năm nay, nhà trường phải sử dụng chung cơ sở vật chất với trường THCS của xã. Trường hiện có 800 học sinh và sẽ tiếp tục tăng trong năm học mới, việc bố trí mỗi lớp có 1 phòng học là một sự cố gắng lớn. Vài năm gần đây, ban giám hiệu, giáo viên đã nhường phòng làm việc để học sinh có chỗ học.

Trong khi đó, hầu hết phụ huynh học sinh của trường đều làm nông nghiệp, việc vận động xã hội hóa là không thể. Dù điều kiện dạy và học rất khó khăn, nhưng nhà trường cũng không biết lấy đâu ra kinh phí, vì vậy, việc cải tạo, xây dựng nhà vệ sinh chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách hỗ trợ.

Để giải quyết những hạn chế của nhà vệ sinh trong trường học hiện nay, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố phân bổ nguồn tài trợ 40 tỷ đồng cho 5 huyện khó khăn, gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa và Thanh Oai; với các huyện còn lại, đề nghị thành phố hỗ trợ 50% nguồn kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, số còn lại kêu gọi xã hội hóa.

Thống Nhất