Địa phương né trách nhiệm?
Giao thông - Ngày đăng : 07:07, 21/05/2018
"Xe dù", "bến cóc" hoạt động tràn lan đã dẫn tới nhiều hệ lụy như: Gây quá tải cho hạ tầng, mất trật tự an toàn giao thông, tăng ùn tắc; ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính; thất thu ngân sách... Nhưng, dường như vẫn đang tồn tại lối suy nghĩ rằng, việc ngăn chặn vi phạm này chủ yếu thuộc về các cơ quan chức năng của Sở GT-VT, Công an thành phố.
Trong khi vai trò chủ công trong xử lý các "bến cóc" đáng lẽ phải thuộc về các cấp chính quyền địa phương. Lực lượng chức năng của Sở GT-VT và Công an thành phố tập trung xử lý "xe dù" và các phương tiện vi phạm khác; đồng thời tham gia phối hợp xử lý các tụ điểm "bến cóc" khi được các địa phương đề nghị nhằm giải quyết dứt điểm.
Vừa qua, để ngăn chặn hoạt động "xe dù", "bến cóc" tái diễn, Thanh tra Sở GT-VT đã ràng buộc trách nhiệm của lãnh đạo từng đội thanh tra giao thông địa bàn đối với từng khu vực, nhất là các tuyến đường xung quanh các bến xe; yêu cầu từng công chức, thanh tra viên phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ. Nhưng, nếu đặt hết trách nhiệm lên "đầu" các lực lượng chức năng của thành phố thì bao giờ mới hết cảnh "bắt cóc bỏ đĩa"?
Bởi hơn ai hết, chính quyền địa phương sở tại mới là đơn vị nắm rõ nhất các điểm có thể phát sinh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định, nhất là các bãi đất trống, các diện tích đất chưa triển khai dự án…
Địa phương phải xử lý ngay từ khi mới phát sinh, nếu không đủ lực lượng thì đề nghị thành phố hỗ trợ. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng liên quan là cần thiết, nhưng phải ràng buộc trách nhiệm của các phường, xã, quận, huyện; có như vậy mới có thể ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng "xe dù", "bến cóc" gây nhức nhối dư luận trong thời gian qua.