Đề nghị phê chuẩn bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 trên 248.700 tỷ đồng
Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 21/05/2018
Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước).
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm 81.852 tỷ đồng kết dư ngân sách địa phương).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Trước đó, vào đầu giờ làm việc chiều nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016. Theo đó, nhiệm vụ chi NSNN năm 2016 đã được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, HĐND các cấp. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN từng bước có hiệu quả và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.
Khả năng trả nợ công khó khăn
Trong báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày, Ủy ban nhận thấy, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.
Trong thu ngân sách nhà nước, trước nhiều khó khăn, thách thức, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu đề ra, song số quyết toán thu NSNN vượt 9,2% (tương ứng 92.881 tỷ đồng) thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2016; các khoản thu quan trọng như thu từ DNNN, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngoài quốc doanh… cơ bản đạt dự toán. Cơ quan thuế đã nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hạn chế tình trạng trốn lậu thuế; tích cực triển khai nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.... nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu.
Về chi ngân sách nhà nước, về cơ bản, Chính phủ đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để điều hành dự toán chi theo quy định, bám sát dự toán được giao; công tác kiểm tra, kiểm soát chi NSNN được tăng cường; công tác quản lý chi NSNN đã được quan tâm hướng tới mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí; bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển, an ninh, quốc phòng, các nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng; hỗ trợ sản xuất, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải |
"Bội chi NSNN năm 2016 là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP thực hiện. Số liệu cho thấy, năm 2016, số bội chi đã thấp hơn nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên tỷ lệ bội chi vẫn vượt mức Quốc hội cho phép (4,95% GDP). Chính phủ cần quan tâm điều hành để kiểm soát bội chi các năm sau bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội là tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh.
Đánh giá về thực trạng nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2015, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận định, tuy các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép (dư nợ Chính phủ là 52,8% GDP, nợ công là 63,8% GDP) nhưng khả năng trả nợ hiện nay rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ; kiểm soát ODA còn bất cập từ kiểm soát tổng mức vay đến lập, giao dự toán hàng năm.
Đồng thời, kết quả kiểm toán cho thấy, nhiều dự án vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ hoặc ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ; một số địa phương có dư nợ vượt mức quy định, bố trí vốn cho các công trình không có trong danh mục đăng ký, không xây dựng hạn mức vay, không lập kế hoạch vay, trả nợ vay... Những bất cập này khi có Luật Quản lý nợ công sửa đổi (năm 2017) đã từng bước được khắc phục nhưng hệ quả của năm 2016 và các năm trước phải mất một thời gian dài mới có thể xử lý.
Theo chương trình làm việc của kỳ họp, trong sáng mai (22-5), các ĐBQH sẽ thảo luận ở tổ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.